Vùng cao vui đón Tết

13:06, 14/02/2018

Thời tiết cận kề Tết Nguyên đán Mậu Tuất, những cơn mưa Xuân lất phất mang theo cái rét ngọt rất đặc trưng của huyện vùng cao Võ Nhai. Trên tuyến đường đổ ra chợ Mủng (Dân Tiến), chợ Tràng Xá (Tràng Xá) hay chợ huyện (Đình Cả),  bà con nhộn nhịp mua sắm đồ chuẩn bị đón Tết. Một mùa Xuân mới lại về mang theo no ấm, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa nơi đây.

Trên đường trở về nhà sau buổi đi chợ Tràng Xá, chị Triệu Thị Hoa, ở xóm Khuôn Nang, xã Liên Minh với lỉnh kình đồ đạc. Chị Hoa bảo: Chợ phiên mới có nhiều hàng hóa nên hôm nay tôi tranh thủ đi mua sắm đồ để chuẩn bị Tết. Mua sớm không để vài hôm nữa cập rập lắm. Cũng may, năm nay được Nhà nước đầu tư đổ gần 7km đường bê tông vào xóm nên tôi mới có thể chở được nhiều thứ thế này, còn những năm trước phải  hai người mới chở hết hết vì trời mưa, đường lầy lội, khó đi lắm. 

Niềm vui của chị Hoa cũng là niềm vui chung của hơn 100 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao ở xóm Khuôn Nang, bởi những khó khăn vất vả của bà con nơi đây đã dần với bớt khi Nhà nước đầu tư đường, điện về cho người dân sử dụng.Trước đây, người dân tộc Dao ở xóm Khuôn Nang chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô ở trên đồi và cấy lúa tại những ruộng bậc thang dưới chân các dãy núi. Cùng với đó là không có điện, giao thông cách trở, sản phẩm nông nghiệp làm ra phần lớn là tự cung, tự cấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, người dân trong xóm không chỉ trồng ngô, cấy lúa mà còn đẩy mạnh trồng rừng sản xuất. Nhiều diện tích rừng đã được khai thác, cho nguồn thu khá nên đời sống của của bà con đã thay đổi nhiều so với trước.

Ông Lý Tài Minh, Trưởng xóm Khuôn Nang cho biết: Thời gian qua, bà con trong xóm tích cực đưa các giống lúa, ngô lai vào sản xuất nên phần lớn các hộ dân đã tự chủ được nguồn lương thực, một số gia đình không những đủ ăn mà còn dư thừa để bán và làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, người dân trong xóm đã tập trung trồng rừng sản xuất và nhiều đã hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán rừng trồng... Những hộ dân có điều kiện hơn thì nuôi lợn để thịt Tết, còn hộ khó khăn thì chung nhau “ăn đụng lợn”. Một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người Dao chúng tôi là gạo nếp nương để gói bánh chưng. Còn gà trống thiến thì gần như gia đình nào cũng có...

Rời Khuôn Nang, theo con đường bê tông từ trung tâm xã Phương Giao vào khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong (khu vực xa nhất của xã) - nơi có hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi thấy sắc Xuân đã tràn khắp muôn nơi. Trẻ em với bộ trang phục truyền thống sặc sỡ tới trường, còn người lớn đạng bận rộn với việc chuẩn bị sắm sửa, dọn nhà để đón Tết. Đâu đó, vang lên tiếng Khèn Mông gọi bạn của nhóm thanh niên chuẩn bị đi chơi Xuân.

Đồng bào dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì đi chơi Xuân về.

Ông Lý Văn Sầu, ở khu Lân Thùng đang bận rộn cất mẻ rượu ngô để thết đãi khách khi Tết đến, xuân về. Ông Sầu chia sẻ: Vào dịp Tết, ở đây thời tiết rất lạnh, khách đến chơi nhà mà chúc nhau chén rượu ngô thì rất ấm tình xóm làng. Đối với đồng bào Mông ở đây, dù ngày Tết không phải mang bánh chưng đi tới nhà của ông bà, cha mẹ nhưng các gia đình vẫn gói nhiều bánh để ra Giêng ăn. Đến thời điểm này, nhiều người đã vào rừng lấy lá dong, lạt giang về để chuẩn bị gói bánh và mang ra chợ bán. Cùng với đó, tranh thủ mấy ngày vừa qua có nắng, bà con đã chuẩn bị xong củi để hầm bánh chưng....

Còn Ông Ngô Văn Sinh, Trưởng khu Lân Thùng chia sẻ: Năm 2015, được Nhà nước đầu tư đường bê tông dài hơn 7km vào xóm, đời sống của người dân đã bớt nhiều khó khăn so với trước. Bà con không chỉ trồng ngô phát triển kinh tế mà còn biết trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò để bán. Vào những giáp hạt, người dân đã không còn lo thiếu ăn. Trẻ em đến tuổi đi học đều được tới trường. Ngoài ra, có điện, nhiều gia đình ở đây đã đi mua ti vi về để xem chương trình Tết...

Không giống những xóm bản khác của huyện Võ Nhai, những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá vẫn rộn ràng vào vụ nấu mật kéo đường. Từ xa, những lò kéo mật bốc khói, mang theo mùi thơm của đường phên. Sự hăng say lao động, cùng với ánh lửa hồng của lò nấu mật đã xóa đi cái giá rét của vùng cao. Anh Lý Văn Día, ở xóm Chòi Hồng phấn khởi: Tuy năm nay trồng mía vất vả hơn do thời tiết mưa nhiều, nhưng bù lại khi kéo mật, chất lượng đường cao. Trung bình 1ha mía kéo được khoảng từ 3-4 tấn đường. Trừ chi phí, người trồng mía kéo mật làm đường có thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/ha. Năm nay, gia đình tôi trồng 0,5ha mía, sau khi kéo mật được gần 2 tấn đường phên, với giá bán như hiện nay thì trừ chi phí cũng để gia được 30 triệu đồng. Sản phẩm không chỉ để bán mà còn được bà con dùng làm bánh mật, bánh khảo, chè lam - những thứ không thể thiếu trong dịp đón năm mới.

Còn ông Hoàng Văn Máy, Bí thư Chi bộ xóm Chòi Hồng chia sẻ: Mặc dù, thị trường tiêu thụ đường phên không ổn định nên diện tích mía nguyên liệu ở Chòi Hồng cũng giảm dân, nhưng bà con đã chuyển sang trồng rừng phát triển kinh tế chứ không để đất trống như trước đây. Cùng với đó, nhiều người dân trong xóm tranh thủ thời gian nông nhàn đã đi ra ngoài để lao động kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, trong vòng 3 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xóm đã có nhiều cải thiện. 

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Võ Nhai cho biết: Huyệncó 7 dân tộc, với hơn 70 nghìn nhân khẩu, sinh sống ở 174 xóm. Trong đó, có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa độc đáo riêng. Trong những năm qua, ngoài việc quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống của người dân đã có những thay đổi lớn, bởi vậy, việc đón Tết cũng đầy đủ hơn. Qua đó, các phong tục văn hóa của mỗi dân tộc cũng được người dân gìn giữ, phát huy.

Trên các tuyến đường vào xóm, bản vùng sâu cũng như ngoài thị trấn Đình Cả của huyện Võ Nhai, chúng tôi đều thấy chung không khí rộn ràng của ngày Xuân, trong lòng ai cũng hồ hởi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới với bao niềm vui và hy vọng.