Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

10:39, 30/03/2018

Theo kế hoạch, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII sắp tới (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5-2018, Trung ương sẽ bàn thảo vấn đề cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là vấn đề “thiết thân” với đông đảo nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cả nước.

Để phục vụ kịp thời cho Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, mới đây, Hội đồng lý luận Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học Cải cách chính sách BHXH và tiền lương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và chính sách ưu đãi người có công cho biết, Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng 2 đề án gồm: Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách BHXH. Tại buổi Tọa đàm, đa số các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương đều đồng tình với các quan điểm, cách thức xây dựng hai Đề án nêu trên.

Đề án cải cách chính sách tiền lương tập trung khắc phục những yếu điểm, bất cập của chính sách tiền lương hiện nay, đồng thời tiệm cận với các chuẩn mực về chính sách lương của quốc tế. Tư duy cải cách tiền lương sẽ có một số điểm mới như: Xây dựng hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng lương dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp; cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn; lương của cấp trên cao hơn cấp dưới... Đặc biệt, Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế (tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%); đồng thời, quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) trả thêm cho người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để thủ trưởng bộ, địa phương tuyển dụng nhân tài. Đề án cũng bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, được luật hóa, không ai được trả thấp hơn. Bên cạnh đó còn quy định mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.

Đối với chính sách BHXH, Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng - hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả; tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng; tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường. Đề án quy định người lao động tham gia BHXH trên 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Đề án cũng nêu việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức khi có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và phù hợp với ngân sách Nhà nước; đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ ngày 1-1-2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Chính sách tiền lương, BHXH là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Trước những vấn đề bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương, BHXH hiện nay, việc tiến hành cải cách là nhiệm vụ cấp bách. Kết quả nghiên cứu thời gian qua với sự đóng góp ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia đầu ngành, có thể khẳng định cải cách chính sách tiền lương, BHXH đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, đã đến thời điểm chín muồi. Hiện, Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và chính sách ưu đãi người có công đang tập trung hoàn thiện dự thảo các đề án để trình Trung ương.

Song, để thực hiện thành công cải cách chính sách tiền lương có lẽ điều quan trọng nhất bây giờ vẫn là triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị. Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông để các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ được tính cấp bách của vấn đề cải cách tiền lương, BHXH. Đó chính là tiền đề vững chắc để tiến hành cải cách chính sách tiền lương và BHXH, đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội.