Những ngày đầu tháng 3, về xóm Bầu, xã Phấn Mễ (Phú Lương), chúng tôi được chứng kiến nhiều nét đổi mới ở vùng quê này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Phấn Mễ không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhà nhà phấn chấn, nhưng vui nhất là người dân xóm Bầu, cuối năm 2017, xóm được huyện và xã lựa chọn tổ chức điểm cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm tự hào: Nhờ tham gia có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cuộc sống của từng gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư luôn ấm áp, tình nghĩa. Kết quả tham gia phong trào, từ năm 2009, xóm được huyện cấp Bằng công nhận Làng Văn hóa giai đoạn 2005-2008. Cũng năm đó, tôi thay mặt nhân dân xóm về Thủ đô Hà Nội nhận Bằng công nhận Khu dân cư “Có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Trung ương MTTQ Việt Nam tặng.
Rất thân thiện, ông Tô Hồng Quân, Phó Bí thư Chi bộ kéo tôi vào trong nhà văn hóa của xóm. Tôi nhìn khắp lượt thấy dãy bàn ghế kê ngay thẳng, khu vực sân khấu rộng rãi, có cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, khẩu hiệu… được bày trí đúng quy định. Và treo đẹp mắt thành một hàng ngang trên tường là những bằng khen, bằng công nhận, giấy khen của các cấp, ngành tặng cho các tổ chức đoàn thể nhân dân xóm.
Ông Quân kể: Trên khu đất này trước đó đã có nhà văn hóa, nhưng vì nhà xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho nhân dân hội họp. Năm 2015, Chi bộ Đảng có nghị quyết xây dựng mới nhà văn hóa. Nghị quyết được triển khai tới toàn thể đảng viên và người dân. Do phát huy cao tinh thần dân chủ, bà con đồng thuận, nên chỉ sau nửa tháng tuyên truyền, phổ biến quyết tâm xây dựng nhà văn hóa, bà con đã đóng góp được hơn 250 triệu đồng. Cùng với số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng của Nhà nước, người dân xóm Bầu đã xây dựng được một ngôi nhà văn hóa rộng 114m2. Có mặt ở đó, ông Phạm Quang Hoàn, người dân của xóm kể: Khi có việc, người dân xóm Bầu trăm người như một, cùng lo, cùng làm. Như việc xây dựng nhà văn hóa xóm, ngoài số tiền đóng góp theo quy định, nhiều gia đình còn tự nguyện đóng góp thêm để làm bê tông khu vực sân tập luyện thể thao, xây sân khấu phục vụ biểu diễn giao lưu văn nghệ.
Mở cuốn sổ tay, bà Phương cho tôi xem từng dòng ghi chép về những hoạt động phong trào của người dân, như việc tham gia đóng góp các quỹ quy định chung của Nhà nước; các hoạt động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ người nghèo và tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao đều được thông qua chi bộ Đảng, lấy ý kiến của người dân rồi mới triển khai thực hiện. Tất cả đều công khai, rõ ràng, không tư lợi đã tạo dựng sự bền chắc về lòng tin của người dân với cán bộ cơ sở. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng mang tới cho xóm Bầu nhiều thuận lợi khi địa phương cần huy động đến sức dân. Ví như việc làm đường bê tông nội xóm, đường phục vụ sản xuất, đường điện, trạm biến áp, trường mầm non của xã, nhân dân hăng hái đóng góp phần đối ứng thống nhất chung. Nhiều gia đình có điều kiện tự nguyện đóng góp thêm, hoặc mời gọi con cháu đi công tác xa, gửi tiền về ủng hộ cho xóm xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.
Trong 3 năm gần đây, nhân dân xóm Bầu hiến được gần 20.000m2 đất, hơn 500 triệu đồng để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, trong đó có 8.000m2 đất quỹ xóm để xây dựng Trường Mầm non xã. Đến nay các công trình đã hiện hữu trên đất xóm Bầu. Và cho đến bây giờ nhiều người dân còn cảm phục, nhắc nhớ đến câu chuyện nhà ông Phạm Văn Nghĩa đã tự phá nhà xưởng xay xát, tường rào bảo vệ của mình để hiến đất. Nhà ông Trần Văn Vượng hiến hơn 100 m2 đất và tài sản trển đất. Nhà ông Trần Mai Báu tự phá 1 nhà trại chăn nuôi gia cầm của mình để giao “mặt bằng sạch” cho đơn vị thi công.
Người dân xóm Bầu sống thân thiện với nhau như anh em một nhà. Bà con có ý thức chăm lo, giúp đỡ nhau cùng vượt lên khó khăn, hoạn nạn. Ví như hoàn cảnh của mẹ con bà Phạm Thị Nguyên. Bà Nguyên là người tàn tật, đơn thân nuôi con tật nguyền. Cảm thông, bà con chòm xóm thường xuyên qua lại chăm nom, giúp đỡ. Bà Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm cho biết: Bà Nguyên đang ở trong ngôi nhà được xây dựng bằng tình làng, nghĩa xóm (nhà đại đoàn kết). Năm nay con trai bà Hương 18 tuổi, vẫn chỉ biết ăn, chưa biết làm. Mới đây cháu bị ốm, bà con góp được gần 3 triệu đồng giúp cháu chữa bệnh. Còn ông Khổng Văn Quý, Chi hội trưởng Người cao tuổi của xóm kể: Mùa mưa bão xảy ra từ cách đây ít năm, nước lũ cuốn trôi mất ngôi nhà của ba mẹ con bà Trần Thị Thúy Ngà. Trong cảnh trắng tay, chưa biết sống thế nào thì bà con chòm xóm đến giúp dọn dẹp, ủng hộ tre, gỗ, gạo ăn trước mắt và cùng dựng giúp lại cho mẹ con bà Ngà ngôi nhà ở. Cũng vì mưa lũ, nước lên nhanh, trang trại gà của gia đình ông Đinh Thành Công và gia đình ông Hoàng Văn Sâm có nguy cơ ngập chìm trong lũ. Trong tình thế khẩn cấp, bà con hò nhau bơi qua khe Mát đến giúp đỡ 2 gia đình chuyển hàng nghìn con gà lên chỗ đất cao ráo.
Mải chuyện, mặt trời đứng bóng từ khi nào, tôi vội chia tay với bà con xóm Bầu để trở về cơ quan làm việc. Trên suốt dọc đường, lời ông Khổng Văn Quý, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi còn như rủ rỉ: Xóm Bầu có 125 hộ, thu nhập bình quân đạt 22,5 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, xóm có 119 hộ đạt gia đình văn hóa, tăng hơn 6 hộ so với cùng kỳ năm trước. Hẹn ngày hội đại đoàn kết năm 2018 anh về, xóm sẽ có thêm nhiều câu chuyện mới.
Vâng! Nhưng tôi mong đó là những câu chuyện ấm áp về tình nghĩa con người. Và những đổi mới, khởi sắc của vùng đất xóm Bầu.