Lương tâm và ý thức trách nhiệm: Những người tiên phong làm việc khó (Kỳ II)

15:10, 24/03/2018

Không ngại khó, ngại khổ, tuổi trẻ Thái Nguyên luôn tiên phong thực hiện những phần việc không hề dễ dàng. Họ, với ý chí và nghị lực đã làm giàu trên mảnh đất quê hương và chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình): Lớp trẻ  hiện nay rất năng động trong phát triển kinh tế. Họ mạnh dạn thử nghiệm các mô hình mới cũng như ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở địa phương tôi, có khoảng 30 hộ do thanh niên làm chủ đã xây dựng được các mô hình kinh tế giỏi, thuộc các lĩnh vực như sản xuất rau chuyên canh; chăn nuôi lợn, gà theo mô hình trang trại, gia trại; kinh doanh thức ăn chăn nuôi...

Với quyết tâm vượt khó, nhiều thanh niên không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn giúp bà con trong vùng cùng làm theo. Trường hợp anh Nguyễn Văn Hưng, đoàn viên Chi đoàn xóm Ao Rôm II, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) là một điển hình. Anh đã chinh phục hơn 3 ha đất đồi đầy sỏi đá bằng việc đưa 120 cây nhãn và 800 cây chuối tiêu hồng vào trồng. Anh Hưng chia sẻ: Thanh niên lập nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Tiền vốn phải chắt chiu, vay mượn; kỹ thuật trồng trọt phải tự mày mò qua sách, báo. Rồi cả sự “đỏng đảnh” của thời tiết nữa, cũng khiến tôi bao phen mất ăn, mất ngủ. Khi mưa phùn kéo dài thì lo vườn nhãn bị thối hết hoa, quả non. Lúc mưa giông thì sợ những cây chuối đang kỳ ra hoa đổ ngục... Nhưng càng khó khăn, tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn.

Sự cố gắng của anh Hưng đã được đền đáp xứng đáng bởi sau hơn 5 năm đầu tư, năm 2017, anh thu nhập hơn 300 triệu đồng. Anh Đoàn Văn Tới, Bí thư Đoàn xã Khe Mo nói: Điều đáng quý nhất là anh Hưng không giữ “bí quyết” làm ăn cho riêng mình mà luôn tận tình hướng dẫn, chia sẻ để người dân trong xã cùng làm theo cũng như giúp họ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cũng như anh Hưng, anh Đỗ Xuân Đại, Bí thư Chi đoàn xóm Vai Say, xã Vạn Thọ (Đại Từ) không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà đã giúp đỡ bà con trong vùng làm theo. Học học hết THPT, anh một mình vào Nam theo học nghề cơ khí và làm việc tại đây. Tuy có thu nhập ổn định, nhưng anh vẫn luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu tại quê nhà. Năm 2011, anh quyết định trở về gắn bó ruộng đồng. Về làng quê thấy đồng đất mênh mông, ruộng đất rất nhiều nhưng công việc làm nông cứ được mùa mất giá, được giá mất mùa nên năm 2013, anh quyết tâm đầu tư vào sản xuất rau quả an toàn và trồng giống dưa lê siêu ngọt trên 2 sào, thu hoạch gần 1 tấn quả và  bán được với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Không dừng lại ở đó, năm 2015, anh Đại lại đứng ra vận động, thành lập Tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau quả an toàn Nông Phúc với 9 thành viên trong xã tham gia. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, tổ hợp tác đã có gần 60 hộ trong và ngoài xã tham gia trồng các loại rau, quả gối vụ. Không chỉ tiên phong trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp, anh còn giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, giúp không ít thanh niên ở lại quê hương làm giàu, không phải thoát ly đi làm ăn xa.

Với nhiệt huyết và sức trẻ, anh Đại, anh Hưng và rất nhiều thanh niên khác trong tỉnh đã làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi địa phương trong tỉnh có ít nhất từ 10 đến 15 hộ do thanh niên làm chủ hộ thu nhập trên 100 triệu đồng trở lên/năm (toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn). Thanh công của họ không đơn thuần là việc khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng của thanh niên trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương mà là thể hiện sự tiên phong đi đầu, không ngại khó khăn, gian khổ của tuổi trẻ tỉnh nhà.

Chung tay bảo vệ môi trường

Đã thành lệ, tháng nào đoàn viên thanh niên phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cũng tổ chức 2 lần ra quân vệ sinh môi trường, bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép, xóa các điểm tập kết rác sai quy định trên địa bàn phường. Hiện, Đoàn phường đã thành lập một Đội thanh niên xung kích gồm 10 người với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định về kinh doanh hàng quán vỉa hè, bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường. Hằng tháng, Đội phối hợp với lực lượng công an, tổ quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường của phường tổ chức ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh… Bà Nguyễn Thị Thanh một người dân ở tổ dân phố số 5 nói: Không chỉ tuyên truyền, vận động, lực lượng thanh niên còn vệ sinh, thu gom rác thải ở những nơi công cộng... Những việc làm thiết thực của lớp trẻ đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung…

Anh Phạm Thanh Tùng, Bí thư huyện Đoàn Đại Từ: Tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường, các đoàn viên thanh niên không hề ngại khó, ngại khổ. Từ việc quét dọn nghĩa trang, làm sạch đường làng ngõ xóm đều được các đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm. Thậm chí, nhiều đoạn mương bị ứ đọng rác thải sinh hoạt, bốc mùi xú uế nhưng các bạn trẻ vẫn tích cực nạo vét để khơi thông dòng chảy.

Không chỉ riêng ở phường Hoàng Văn Thụ mà ở nhiều địa phương khác của tỉnh, lực lượng thanh niên cũng đã trở thành nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường. Nhất là thông qua việc duy trì “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, các hoạt động bảo vệ môi trường của thanh niên đã có sự lan tỏa rộng khắp. Theo anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, năm 2017, toàn tỉnh tổ chức được xấp xỉ 1.880 hoạt động “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, thu hút hơn 92.400 đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, thôn, xóm; khơi thông cống rãnh, dòng chảy kênh mương; vệ sinh và chăm sóc các đài liệt sĩ... Từ các hoạt động này, lực lượng thanh niên các cấp đã thu gom được hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, nạo vét được hàng trăm km kênh mương và tổ chức được hàng nghìn buổi dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ, các điểm di tích...

Ngoài ra, đoàn viên thanh niên trong tỉnh còn tập trung xây dựng được hàng nghìn điểm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật; giúp đỡ hàng nghìn hộ dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... Đặc biệt, khi trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào ngày 24 và 25-8 năm ngoái khiến cho người dân ở các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương chịu thiệt hại nặng nề. Theo đó, gần 500 ngôi nhà bị ngập úng, 99 ngôi nhà bị ảnh hưởng so sạt lở đất, 2 ngôi nhà bị tốc mái; trên 2.110ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước; nhiều tuyến đường giao thông và các công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng…  Để hỗ trợ các địa phương, ngoài việc tiến hành ra soát và thống kê những thiệt hại do mưa bão gây ra, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh còn giúp đỡ nhân dân di chuyển người và tài sản đến khu vực an toàn, đồng thời giúp bà con sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồng ruộng sau mưa lũ...

Nằm trong các hoạt động bảo vệ môi trường,  các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng rất tích cực trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Riêng dịp Xuân Mậu Tuất 2018, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã trồng được trên 100.000 cây xanh các loại. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Bí thư Đoàn huyện Đồng Hỷ cho rằng: Tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, tuổi trẻ Thái Nguyên đã góp phần làm lan tỏa phong trào thi đua bảo vệ môi trường trong các cộng đồng dân cư, thôn, xóm.

Tháng Ba, nghĩ về tuổi trẻ với bao niềm tin và hy vọng. Mong rằng trong tương lai, họ tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận, xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước nhà như Bác Hồ hằng mong muốn.