Là cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) tư nhân đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất trên địa bàn tỉnh, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) thực sự là mái ấm luôn tràn ngập tình thương của những phận đời có hoàn cảnh éo le đã và đang được cưu mang, chăm sóc tại đây. Số tiền xây dựng khoảng 30 tỷ đồng và kinh phí duy trì hoạt động Trung tâm từ ngày thành lập (1/4/2013) đến nay đều của cá nhân bà Giám đốc Nguyễn Thị Nguyệt – người phụ nữ không chồng, không con đẻ và có “tâm Bồ Tát” như nhiều người vẫn ca ngợi.
Nhiều lần đến thăm Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt, lần nào tôi cũng chung một nỗi niềm, sự cảm thương với những số phận không may mắn trong cuộc sống. Họ là những người già không nơi nương tựa vì rất nhiều lý do khác nhau mà không phải ai cũng muốn nói ra, là người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi… Ai cũng mơ ước về một mái ấm thực sự, được quan tâm chăm sóc, được chia sẻ, động viên, và những số phận thiệt thòi ấy đã may mắn khi có “bến đỗ” là Trung tâm này.
Bà Đào Thị P. (ở phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) đã ở Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt được hơn 1 năm, là cựu thanh niên xung phong, thương binh mất 61% sức khỏe. Bà bảo: "Tôi có con nhưng nó thiếu trách nhiệm với mình nên coi như không có”. Tuổi đã cao lại là thương binh nên trong sinh hoạt hàng ngày, bà gặp rất nhiều khó khăn và phải có người giúp đỡ. Người phụ nữ 72 tuổi ấy ngày nào cũng đọc sách Phật và ví bà Giám đốc Nguyễn Thị Nguyệt như vị Bồ Tát hiển linh cứu độ cuộc đời mình. “Tôi được chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ, được hỏi han, chia sẻ, động viên nên có thêm động lực vui sống nốt quãng đời còn lại” – bà P. xúc động nói.
Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do để đến với Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt. Bỏ lại sau lưng quãng đời bất hạnh, buồn tủi, họ đến mái nhà mới, nơi mọi người đối xử với nhau như ruột thịt, không khoảng cách, không phân biệt. Bà Vũ Thị T. (74 tuổi) bị một căn bệnh của tuổi già đã 6 năm khiến chân tay không thể vận động được, chồng đã chết, con không có điều kiện chăm sóc, bà may mắn được đón nhận vào Trung tâm đã 2 năm nay. Mắt rưng rưng, Bà T. phải rất khó nhọc để phát âm từng lời (do ảnh hưởng của bệnh tật): Tôi bây giờ như sống thực vật, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Tôi biết ơn Trung tâm này, biết ơn bà Nguyệt lắm! Ngày nào bà ấy cũng đến hỏi han, động viên chúng tôi, dù bà ấy bận nhưng có lúc vẫn đến bón cho tôi từng miếng cháo…
Ngoài 28 người già cô đơn không nơi nương tựa, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt còn đang cưu mang, chăm sóc 6 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và những người khuyết tật, người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn như trường hợp anh Vi Văn H. Anh H. bị di chứng nặng do tai biến mạch máu não, gần như không thể tự chủ trong mọi sinh hoạt. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên người thân mang anh “gửi” vào Trung tâm từ gần 6 tháng trước. Những người như anh H. nhận được chế độ chăm sóc riêng, có bác sĩ và nhân viên Trung tâm hướng dẫn, giúp đỡ tập vận động để phục hồi chức năng. Trẻ nhỏ được cưu mang tại Trung tâm có người đưa đón đi học hằng ngày, được tạo mọi điều kiện để phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa.
Đội ngũ nhân viên của Trung tâm là những người luôn tận tình, trách nhiệm, họ như con, cháu, là mẹ, có lúc lại như bạn tâm giao của những đối tượng được bảo trợ tại đây. Họ là những người góp phần quan trọng xây nên mái ấm đặc biệt này. Chị Nguyễn Thị Hường, một nhân viên Trung tâm chia sẻ: Những người già ở đây đa phần đều có bệnh, có người cứ mỗi khi đau ốm, buồn bực lại la hét, đập phá. Chúng tôi phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên, an ủi họ. Mỗi đêm, chúng tôi đi kiểm tra từng phòng ít nhất 2 lần và đã không ít lần phải đưa các cụ trở bệnh vào bệnh viện cấp cứu trong đêm…
Ngoài 34 đối tượng đang được cưu mang, chăm sóc, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt cũng đã tiếp nhận giúp đỡ, chăm sóc một số người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trước khi bàn giao cho địa phương hoặc gia đình họ. 5 người cao tuổi đã qua đời tại Trung tâm được lo mai táng chu đáo. Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động tập thể để cải thiện đời sống tinh thần cho mọi người, tạo môi trường thân thiện, gần gũi và yêu thương nhau. Tất cả đối tượng bảo trợ tại đây đều không phải đóng bất kỳ khoản phí nào (trừ những trường hợp tự nguyện), được đối xử bình đẳng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Nói về lý do bỏ tiền túi để xây dựng một trung tâm BTXH tư nhân lớn như vậy, bà Nguyễn Thị Nguyệt bộc bạch: Tôi thấy xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, trong khi ngân sách chưa thể bao cấp hết, nhiều cơ sở BTXH công lập bị quá tải. Dù không phải quá dư giả nhưng tôi muốn đóng góp chút gì đó cho xã hội. Làm việc tốt, việc thiện để tâm mình thanh thản, để thấy cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn…
Với cơ sở vật chất được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại (một dãy nhà 3 tầng, 47 phòng khép kín đầy đủ tiện nghi), Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt có thể tiếp nhận tối đa khoảng 150 đối tượng bảo trợ. Tuy vậy, vì là cơ sở BTXH tư nhân, không được hỗ trợ từ ngân sách nên Trung tâm hiện đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động và cũng chưa thể phát huy tối đa công suất. Trung tâm cần thêm sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là các nhà hảo tâm để tiếp tục phát triển, xứng đáng là một mô hình điển hình về xã hội hóa trong công tác BTXH – một mái ấm đong đầy tình thương cho những phận đời éo le, thiệt thòi./