Là địa phương đang có bước bứt phá mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện Phú Bình phấn đấu đến năm 2020 cơ bản là huyện nông thôn mới (NTM). Với sự nhiệt thành, tháo vát của mình, các chị em không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn tham gia vào các hội, đoàn thể, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương. Chị Dương Thị Nhạn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương là một điển hình như vậy.
Khởi nghiệp trên chính đồng quê
Học hết trung học cơ sở, lượng sức học và điều kiện khó khăn của gia đình, chị Dương Thị Nhạn (sinh năm 1977) vui vẻ trở về với đồng ruộng. Cô gái bé nhỏ nhưng làm ăn giỏi giang đã từng là niềm mơ ước của biết bao trai làng. Mùa xuân năm 1999, khi vừa tròn 22 tuổi, chị kết hôn với anh Hoàng Đức Nhị, về làm dâu tại xóm Tân sơn 8. So với các gia đình nông thôn lúc đó, kinh tế nhà chị Nhạn cũng có thể gọi là khá, vì bố mẹ chồng còn trẻ khỏe, tổ chức sản xuất căn cơ. Anh Nhị có nghề, làm thuê cho xưởng mộc ở Hà Nội cũng có thu nhập. Tuy vậy, vốn là cô gái năng động và ham mê hoạt động xã hội, chị Nhạn quyết tâm phát triển kinh tế. Vì chị thấy chỉ khi kinh tế gia đình vững, chị mới yên tâm tham gia các công việc của làng xóm, có điều kiện đóng góp và uy tín hơn khi vận động bà con.
Được sự ủng hộ của chồng và gia đình, chị Nhạn vừa nuôi dạy 2 cậu con trai, (cháu lớn hiện là sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên, cháu nhỏ đang học tiểu học), vừa tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn đầu tư vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Với hơn 4 sào ruộng, năm nào chị cũng cấy lúa và trồng rau đảm bảo cung cấp cho cả đại gia đình 8 người. Chị còn thả cá, chăn nuôi lợn, gà để tăng thu nhập.
Ở Tân Sơn 8 có Làng nghề đồ gỗ Mỹ nghệ Phương Độ với 32 hộ tham gia nằm dọc ven đường trục của xã. Các hộ làm nghề mộc tạo điều kiện cho khoảng 120 lao động có việc làm thường xuyên, năm 2017 bình quân thu nhập bình quân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm. Được biết, năm 2000, vợ chồng chị Nhạn quyết định mở xưởng chuyên làm cầu thang, cánh cửa. Đến nay, xưởng mộc đồ gỗ mỹ nghệ Nhị Nhạn đã là một cơ sở vững vàng của làng nghề. Trong năm vừa qua, gia đình chị đã xuất bán được 25 bộ bàn ghế, 15 bộ bàn thờ, khoảng 75 sản phẩm nhû: giường, tủ, kệ, đồng hồ cây... cho töíng thu nhêåp đạt 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ, cá, mỗi năm có nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện xưởng mộc của chị Nhạn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động, vúái mûác lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều phần việc đơn giản như đánh giấy nháp sản phẩm, chị tạo điều kiện cho các chị em trong xóm làm, có thu nhập theo ngày công.
Xây dựng NTM theo cách của phụ nữ
Xóm Tân Sơn 8 có 120 gia đình, Chi hội phụ nữ với 97 hội viên tham gia sinh hoạt. Với vai trò Chi hội trưởng, chị Nhạn đã gương mẫu thực hiện và vận động chị em trong xóm tích cực chung tay xây dựng hoàn thành tiêu chí không đói nghèo và tiêu chí về môi trường.
Chị Nhạn tâm sự: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (gồm 8 nội dung cơ bản: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) là hoạt động trọng điểm của Hội để góp phần xây dựng NTM. Làm tốt cuộc vận động này, cũng là thiết thực góp phần chung sức hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo và tiêu chí môi trường của xã.
Trong năm vừa qua, Chi hội Phụ nữ xóm Tân Sơn 8 đã phối hợp với các đoàn thể, vận động mỗi hội viên đóng góp 1 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, 250 lượt chị em tham gia 3 ngày công san nền, làm sân nhà văn hóa. Hằng tháng, tổ chức chia cụm cho chị em tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, đoạn đường tự quản của Chi hội. Đồng thời xây dựng 3 hố rác tại cánh đồng, phối hợp vận động nhân dân sống ven trục đường xã góp tiền thu gom rác thải (mỗi hộ 30.000 đồng /tháng) nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Các chị còn xin được nhiều giống hoa như về trồng dọc hai bên đường tạo cảnh quan sạch, đẹp.
Vận động hội viên phát triển sản xuất để bảo đảm thu nhập bền vững nhằm hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, Chi hội Phụ nữ xóm Tân Sơn 8 đã linh hoạt vận động chị em đảm bảo diện tích gieo cấy đúng thời vụ, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc. Chi hội tổ chức mô hình góp vốn xoay vòng cho 57 chị. Tổng số vốn 114 triệu đồng của Chi hội đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Chị Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Phương ghi nhận: Hiện, Chi hội Phụ nữ xóm Tân Sơn 8 là một trong 4 chi hội đứng đầu của xã. Các hội viên của Chi hội tích cực tham gia nhiều hoạt động, góp phần để 5 năm liền xóm đạt danh hiệu văn hóa năm tiêu biểu. Gia đình chị Nhạn liên tục được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư.
Chị Nhạn là tấm gương phụ nữ nông thôn làm giàu trên chính đồng đất làng quê, cũng rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác tuyên truyền chị em hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào. Đặc biệt chị đã nhiều lần giành giải Nhất cuộc thi nấu cơm bằng niêu đất tại Lễ hội Đình làng Phương Độ, chính vì thế mà chị rất gần gũi với bà con, được mọi người tin tưởng, yêu quý. Chị Nhạn đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2017, chị Dương Thị Nhạn đã vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.