Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Từ đó hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm quyền lợi thiết thực cho các tổ chức và công dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC)...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Thời gian qua, thị xã luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu phục vụ công dân và tổ chức ngày càng tốt hơn, đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân. Với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả CCHC”, thị xã luôn chỉ đạo sát sao trong công tác CCHC. Cùng với đó, năm 2017, T.X Phổ Yên tiếp tục đầu tư nâng cấp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” của thị xã và 18 xã, phường trên địa bàn theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân khi đến giải quyết các TTHC…
Không riêng T.X Phổ Yên, năm 2017, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số CCHC. Như chúng ta đã biết, năm 2016, tỉnh Thái Nguyên nằm ở tốp cuối bảng xếp hạng về chỉ số CCHC của các địa phương trong cả nước. Với quyết tâm cải thiện thứ bậc, năm 2017, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện toàn diện trên cả 3 mặt cải cách thể chế, bộ máy và TTHC, từ đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác CCHC. Để góp phần thực hiện tốt công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/UBND ngày 16-10-2017 về đẩy mạnh phong trào thi đua “Thực hiện cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020”; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, trọng tâm là những lĩnh vực có liên quan đến các doanh nghiệp và người dân. Các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách TTHC, tiếp tục rà soát, đánh giá và ra các phương án đơn giản hoá Bộ TTHC ở cả 3 cấp; thực hiện áp dụng 1.487 TTHC trên cả 3 cấp, trong đó: Cấp tỉnh 1.169 TTHC, cấp huyện 215 TTHC, cấp xã 103 TTHC, thường xuyên cập nhật TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Về cải cách tổ chức bộ máy, đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 19/19 cơ quan chuyên môn của tỉnh; quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Số cơ quan, đơn vị sự nghiệp sáp nhập trong năm qua là 6 (gồm 4 đơn vị trực thuộc Sở Y tế và 2 đơn vị thuộc huyện Võ Nhai); số cơ quan, đơn vị giải thể là 1 (Bến xe khách Thái Nguyên); tổ chức, sắp xếp lại 10 đơn vị. Thực hiện Đề án vị trí việc làm, UBND tỉnh phê duyệt cú cêëu vị trí việc làm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (30 đơn vị, địa phương), 100% các sở, ban, ngành hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông và thực hiện hỗ trợ cho cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC theo đúng quy định; tiếp tục áp dụng “một cửa” hiện đại giải quyết TTHC tại 9 đơn vị cấp huyện, một số sở, ngành đã đầu tư trang thiết bị hiện đại hóa “một cửa” như: Sở Công Thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; bố trí bảo đảm diện tích phòng làm việc của bộ phận “một cửa” tại các sở: Giao thông - Vận tải, Y tế, Tư pháp. Toàn tỉnh có 13/22 sở, ban, ngành; 9 huyện, thành, thị; 100% xã, phường, thị trấn triển khai phần mềm “một cửa” điện tử hiện đại...
Rút kinh nghiệm và nhìn từ thực tế kết quả đánh giá chỉ số CCHC năm 2016, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có sự nỗ lực, bứt phá lớn trong công tác CCHC. Nhờ đó, theo kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của nhóm các sở, ban, ngành trong năm 2017, có nhiều đơn vị đã cải thiện đáng kể về chỉ số. Trong đó, không có đơn vị nào đạt dưới 60 điểm, một số sở, ngành có chỉ số và kết quả xếp hạng được cải thiện đáng kể, như: Sở Khoa học - Công nghệ từ vị trí thứ 7 năm 2016 lên vị trí thứ nhất năm 2017; Ban Dân tộc từ vị trí thứ 19 năm 2016 lên vị trí số 11, tăng 8 bậc; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có sự cải thiện từ 4 đến 6 bậc so với bảng xếp hạng năm 2016. Bên cạnh một số sở, ngành giữ nguyên vị trí như Y tế, Thanh tra tỉnh, Tài chính, thì đáng chú ý một số đơn vị đã bị tụt từ 2 đến 4 bậc trên bảng xếp hạng, cá biệt như Sở Kế hoạch - Đầu tư giảm 8 bậc.
Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2017 đối với khối các huyện, thành, thị phần lớn đã được cải thiện và nâng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, điểm số không đồng đều ở các địa phương, trong đó có những chỉ số đạt số điểm thấp hơn so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị mất điểm tự đánh giá, hầu hết lặp lại những thiếu sót của năm 2016 như: Nhiều đơn vị không hoặc chậm ban hành kế hoạch, việc gửi báo cáo tự đánh giá chậm, chấm điểm, tài liệu kiểm chứng không đầy đủ, chính xác, việc giải quyết TTHC số lượng trước hạn còn chậm... Kết quả, địa phương có điểm chỉ số cải thiện đáng kể so với năm 2016 là UBND huyện Võ Nhai đạt 83,45 điểm, vươn lên 6 bậc xếp ở vị trí thứ 3 sau T.X Phổ Yên xếp thứ nhất, T.P Sông Công xếp thứ 2 (đây cũng là 2 địa phương tiếp tục có sự cải thiện vươn lên 1 bậc so với kết quả năm 2016). Có 2 huyện khác là Phú Bình, Đại Từ tăng 2 bậc, còn lại các địa phương khác bị tụt hạng, trong đó T.P Thái Nguyên giảm 3 bậc trên bảng xếp hạng (đứng ở vị trí thứ 4), còn 2 huyện Đồng Hỷ và Phú Lương ở vị trí cuối bảng (thứ 8 và thứ 9)...
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận từ việc đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC cho thấy: Chất lượng việc tự đánh giá theo các chỉ số của một số cơ quan, đơn vị còn chưa cao; nhiều chỉ số thành phần có dấu hiệu thụt giảm và thiếu tính bền vững. Đáng chú ý là vẫn còn một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai, đánh giá, xác định chỉ số CCHC, việc bố trí nguồn nhân lực, con người cũng như tài chính cho công tác CCHC chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay. Việc giải quyết hồ sơ TTHC tại các đơn vị, địa phương còn những bất cập, tình trạng hồ sơ trả chậm, tồn đọng, kéo dài, nhất là lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp tỉnh như: đất đai, tư pháp. Đối với các sở, ban, ngành, tỷ lệ hiện đại hóa kết nối triển khai dịch vụ công trực tuyến còn thấp, thiếu thống nhất, chưa được đồng bộ (7/19 sở, ngành) ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong giải quyết TTHC)…
Từ việc đánh giá, xếp hạng định lượng trên cơ sở so sánh kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã hiện nay đã chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện CCHC, qua đó giúp các sở, ngành, UBND cấp huyện có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu cũng như giải pháp trong triển khai hàng năm góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. Đây là tín hiệu khả quan và có ý nghĩa rất lớn đóng góp vào sự thay đổi thứ bậc xếp hạng CCHC của tỉnh với cả nước năm 2017.