Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

10:02, 09/04/2018

Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò của phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình luôn duy trì thực hiện tốt các hoạt động chăm lo, giúp đỡ hội viên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Theo bà Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình: Hiện nay, Hội có trên 26.000 hội viên sinh hoạt ở 308 chi hội. Là huyện thuần nông nên phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ về vốn để phát triển kinh tế. Do vậy, để triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đảm bảo hiệu quả, Hội phụ nữ các cấp của huyện đã chủ động rà soát và tìm hiểu hoàn cảnh hộ phụ nữ nghèo và lập danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp với các hình thức: giúp đỡ ngày công, con giống; cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp, giúp vay vốn ngân hàng, vay quỹ chi hội... Việc thực hiện quản lý ủy thác tín dụng đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT được Hội đảm bảo đúng hợp đồng quy định. Hiện tổng các nguồn vốn này do Hội quản lý trên 450 tỷ đồng với hàng nghìn lượt hội viên vay để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội cũng duy trì hoạt động của trên 300 chi, tổ tiết kiệm, thu hút trên 32.000 hội viên tham gia với số dư tiết kiệm trên 30 tỷ đồng. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, sử đụng đúng mục đích, bên cạnh việc mở các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ quản lý cho các tổ trưởng tổ vay vốn thì các cấp cơ sở hội cũng tăng cường kiểm tra thực tế tại các hộ, khuyến khích động viên các gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn vay, Hội cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề chăn nuôi gà và sử dụng thuốc thú y, kỹ thuật trồng trọt… Nhờ đó, nhiều mô hình phát triển sản xuất được duy trì, phát triển theo lợi thế của từng địa phương như: chăn nuôi gà thả đồi tại xã Tân Kim, Tân Khánh, Tân Thành…; mô hình trồng ớt, khoai tây ở Lương Phú, Tân Đức; trồng cây ăn quả ở Nga My, Tân Đức, Tân Hòa… Ngoài ra, nhằm giúp các chị em có thu nhập ổn định, Hội cũng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho các hội viên phụ nữ. Trong năm qua, đã có trên 800 lượt hội viên được tư vấn việc làm, trong đó có 235 người đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các công ty, nhà máy. Ngoài ra, nhằm giúp các hội viên nghèo có tư liệu sản xuất, Hội LHPN huyện cũng phát động phong trào tiết kiệm, xây dựng quỹ phụ nữ nghèo, quỹ bò nái sinh sản. Năm 2017, đã có 6 con bò nái được trao cho các hội viên nghèo với tổng kinh phí là gần 70 triệu đồng.

Từ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm, chia sẻ kịp thời, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã được giúp đỡ và cuộc sống dần ổn định. Như trường hợp chị Hoàng Thị Tĩnh, xóm Vàng, xã Tân Đức. Do mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân không đủ sức khỏe để lao động, không có tiền để sửa lại nhà nên từ lâu, hai mẹ con chị Tĩnh phải ở trong căn nhà xập xệ. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội LHPN xã đã tổ chức vận động các hội viên trong hội quyên góp được 10 triệu đồng và kêu gọi các nhà hảo tâm khác ủng hộ. Nhờ đó, cuối năm 2017, mẹ con chị Tĩnh đã được ở trong ngôi nhà cấp 4 rộng 75m2 với kinh phí xây dựng gần 200 triệu đồng. Hội LHPN xã cũng đã bàn giao cho gia đình chị 1 con bò nái để chăm sóc, đến nay bò chuẩn bị sinh bê. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, chị Tĩnh cho biết: Được quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, mẹ con tôi thật không mong gì nhiều hơn. Tôi sẽ cố gắng chăm bò mẹ và bê con thật tốt để khi bàn giao bò cho Hội, sẽ có thêm nhiều chị em khó khăn khác được giúp đỡ như tôi.

Được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm người dân địa phương. Hiện toàn huyện có gần 100 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi do phụ nữ làm chủ, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, điển hình như mô hình chăn nuôi gà sinh sản và ấp nở gia cầm của chị Nguyễn Thị Cương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú; cơ sở đồ mộc mỹ nghệ của chị Dương Thị Nhạn, xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương; lò ấp nở gia cầm của chị Dương Thị Hạnh, thị trấn Hương Sơn…

Có thể thấy, thông qua những mô hình, phong trào hoạt động cụ thể, thiết thực trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Phú Bình đã góp phần thay đổi suy nghĩ, cách làm của các chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế. Tính riêng trong năm 2017, trong tổng số 208 hộ do phụ nữ làm chủ đăng ký thoát nghèo thì đã có 110 hộ được Hội LHPN các cấp giúp đỡ, hỗ trợ thoát nghèo thành công. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện để các chị em phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.