Với phương châm luôn quan tâm và chia sẻ giúp các thành viên trong nhóm mạnh khoẻ, thay đổi suy nghĩ, có cách sống tích cực, hơn 10 năm qua, Nhóm Hoa Hướng Dương huyện Đại Từ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và trở thành mái nhà chung làm ấm lòng cho phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng, sống chung với HIV(H).
Chị Nguyễn Thị Tâm, xóm 5, xã Cù Vân là một trong những thành viên trong nhóm Hoa Hướng Dương Đại Từ kể: Năm 2008, khi phát hiện mình bị nhiễm H. chị cảm thấy đau đớn, chân tay muốn rụng rời. Như một cơn bão lớn ập đến cuốn sạch mọi thứ của gia đình khiến chị không thiết sống nữa. Kể từ ngày ấy, cuộc sống của gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn không chỉ trong mưu sinh mà còn trong đời sống tinh thần, hàng ngày phải đón nhận những lời cay nghiệt của anh em gia đình, làng xóm. Sau đó, chị được các cán bộ, bác sĩ ở Trung Tâm Y tế huyện Đại Từ tư vấn kiến thức, hỗ trợ tâm lý và giới thiệu chị vào nhóm Hoa Hướng Dương. Tham gia sinh hoạt tại nhóm, chị được tập huấn kiến thức kỹ năng dành cho người nhiễm H, cách phòng tránh lây nhiễm với người ngoài, tiếp cận các dịch vụ y tế đặc biệt là hỗ trợ thuốc điều trị ARV… Từ đó chị thấy người khoẻ mạnh và cảm thấy lạc quan với cuộcsống hơn.
Không chỉ chị Tâm mà với những bệnh nhân H, những ngày đầu biết mình bị nhiễm là chuỗi ngày tăm tối, bế tắc. Vì thế, tham gia vào mạng lưới nhóm là một bước ngoặt với họ, được làm việc, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ họ thấy cuộc sống của mình thay đổi. Chị Nguyễn Thị Thi, Trưởng nhóm Hoa Hướng Dương Đại Từ chia sẻ: Trong suy nghĩ của nhiều người, nhiễm H là do lối sống không lành mạnh, sa vào con đường ma túy, mại dâm nên gánh chịu hậu quả thích đáng (nhưng thực tế phụ nữ nhiễm H. do nhiều yếu tố, hoàn cảnh tác động khác nhau). Suy nghĩ đó khiến mọi người xa lánh, kỳ thị thậm chí là ruồng bỏ người bệnh, đôi khi chính là những người thân, ruột rà trong gia đình. Mặt khác, bản thân các chị em nhiễm H. luôn mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, tự sống khép mình nên càng khiến cho sự kỳ thị thêm nặng nề và đã vô tình tạo “mồ chôn” khi họ vẫn đang còn sống. Chúng tôi luôn kêu gọi mọi người hãy đối xử công bằng với người nhiễm H. Hãy mở rộng vòng tay yêu thương để chúng tôi được sống tốt, có ý nghĩa hơn cho mình và xã hội.
Hoa Hướng Dương Đại Từ là một trong những nhóm nằm trong mạng lưới của người nhiễm HIV/AIDS do Tổ chức Uỷ ban Y tế Hà Lan tại Việt nam hỗ trợ thành lập từ năm 2008. Từ 17 thành viên ban đầu, đến nay nhóm đã có 85 thành viên và có trên 100 trẻ (trong đó có 14 trẻ nhiễm H.) tham gia sinh hoạt. Nhiệm vụ trước nhất của nhóm là cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em sống chung với H. bằng cách tăng cường tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ y tế, xã hội và kinh tế. Sau đó làm công tác tư tưởng cho thân nhân người có H. cũng như với bạn bè. Cụ thể là được tìm hiểu kiến thức trong phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thông qua những buổi tập huấn; được khám sức khoẻ định kỳ; kỹ năng phòng tránh lây nhiễm với những người xung quanh; hỗ trợ tiếp cận thuốc điều trị ARV. Trung bình mỗi tháng, nhóm tổ chức họp từ 1-4 lần, với mục đích để các thành viên trong nhóm có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin về chăm sóc, điều trị H. Hình thức sinh hoạt của nhóm không chỉ đơn thuần là nói chuyện chuyên đề mà còn tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ. Các thành viên còn chủ động tâm sự, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, bệnh tật, trong cuộc sống, về cách nuôi dạy con cái; được hỗ trợ tập huấn về sản xuất, trồng trọt, học nghề và được vay vốn (từ 5-10 triệu đồng) để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, Nhóm cũng thường xuyên hướng sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đối với những phụ nữ và trẻ em không may mắn. Hàng năm, tổ chức các sự kiện xã hội và tặng quà cho bệnh nhân nhiễm H. vào các dịp như: Quốc tế Phụ nữ (8-3), Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12), Tết Nguyên đán…
Theo chị Thi, mặc dù những năm gần đây, có nhiều tổ chức, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động phòng chống H, chống phân biệt, kỳ thị với người bị nhiễm. Song thực tế, chỉ những người sống chung với H. như chúng tôi mới có thể hiểu sự kỳ thị vẫn còn rất nặng nề, nhất là với gia đình, người thân, chính quyền địa phương. Chúng tôi hoàn toàn có thể đứng lên bênh vực, bảo vệ những quyền lợi cho người nhiễm H. mỗi khi bắt gặp ở đâu có những lời nói, hành vi của sự kỳ thị. Nhưng với trẻ em thì điều đó khó thực hiện hơn, bởi chúng còn nhỏ chưa ý thức được việc mình làm với bạn bè, khó kiểm soát lời nói, hành động của chúng.
Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em nhiễm H. đều là những người sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với trẻ em, còn chịu nhiều thiệt thòi trong học tập, chăm sóc y tế, bị phân biệt đối xử và nhận thức của trẻ về H cũng rất hạn chế nên thường cảm thấy buồn tủi, chán nản, sống khép mình. Các em đều có nguyện vọng được tiếp tục sống cùng gia đình và người thân, được người lớn bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, được điều trị mỗi khi ốm đau như mọi trẻ em khác; được bình đẳng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bạo lực và đặc biệt là muốn được cắp sách đến trường, chơi vui vẻ cùng bạn bè.
Luật Phòng chống HIV/AIDS ghi rõ, bệnh nhân H. có quyền được sống, học tập, làm việc như bao người khác. Họ vẫn có thể sống chung với gia đình, cộng đồng do không nhiễm qua các tiếp xúc thông thường. Vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi, xa lánh họ mà hãy quan tâm, động viên, khuyến khích, giúp đỡ để họ xoá đi mặc cảm mà hoà nhập với cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó cũng là những thông điệp mà Nhóm Hoa Hướng Dương muốn gửi đến các thành viên cũng như cộng đồng xã hội.