Tranh chấp đất kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm

15:18, 03/04/2018

Từ năm 2013, UBND huyện Định Hóa đã có Quyết định kết luận cuối cùng về việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa gia đình ông Phạm Bá Mưu, thuộc xóm Thịnh Mỹ 2 và tập thể xóm Làng Đúc, xã Tân Thịnh. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc trên thực địa khiến các bên liên quan chưa thể giải quyết dứt điểm, việc tranh chấp tiếp tục diễn ra.

Theo tài liệu của Thanh tra huyện Định Hóa, vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp nói trên được Tòa án Nhân dân huyện tiếp nhận và thụ lý từ năm 2008. Thời điểm đó, ông Phạm Bá Nguyên, được sự ủy quyền của bố là Phạm Bá Mưu đã có đơn kiến nghị, nội dung cụ thể là: Năm 2002, Nhà nước có quyết định giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông Mưu quản lý với tổng diện tích 12,3ha (gồm các lô 18, 19, 20, khoảnh 1, tiểu khu 232). Đến tháng 12-2006, khi đi thăm rừng thì phát hiện tập thể xóm Làng Đúc đã phát dọn thực bì để trồng cây. Tháng 4-2008, ông Phạm Bá Nguyên có đơn gửi Tòa án Nhân dân huyện khởi kiện ông Trịnh Xuân Hoàng, Trưởng xóm và ông Hoàng Văn Ban, Bí thư Chi bộ vì cho rằng hai ông đã chỉ đạo người dân xóm Làng Đúc phát và trồng cây trên diện tích 10,3/12,3ha đất đã cấp cho gia đình mình.

Liên quan đến vấn đề này, chị Vi Thị Biển, Trưởng xóm Làng Đúc cho rằng: Một nửa diện tích đất rừng mà xã và huyện đã cấp cho gia đình ông Mưu vốn thuộc quyền quản lý của Làng Đúc, điều này có ghi trong hương ước của xóm. Trước khi giao đất năm 2002, tập thể xóm chúng tôi đã họp và thống nhất để diện tích này làm khu chăn thả chung của xóm và đề nghị UBND xã không được cấp cho cá nhân nào. Do quá trình giao đất bổ sung không chặt chẽ, không thông báo cho khu dân cư trước khi cấp nên mới xảy ra sai sót.

Trong hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông Phạm Bá Mưu có chữ ký của đại diện Kiểm lâm huyện Định Hóa, UBND xã Tân Thịnh và phía gia đình. Kết luận của Tòa án Nhân dân huyện cũng khẳng định quy trình giao đất đúng quy trình, tuy nhiên có thiếu sót là không xem xét thực địa. Khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo UBND và cán bộ địa chính xã Tân Thịnh cũng nêu quan điểm chưa xem xét kỹ thực địa, một phần đất đã cấp cho gia đình ông Mưu vốn thuộc quyền quản lý của xóm Làng Múc. Vì trước năm 2002 khu vực này chưa cấp cho ai nên việc xác định quyền sở hữu của cá nhân hay tập thể đều dựa trên quy ước bằng miệng. Thực tế, khi xem xét hương ước xóm Làng Đúc không hề có nội dung nào đề cập đến sở hữu diện tích đất trên. Chỉ có biên bản họp xóm Làng Đúc ngày 18-4-2002 (trước thời điểm có giấy giao đất cho gia đình ông Mưu 8 tháng) có đề cập: “Phần đất chăn thả gia súc không được giao cho hộ nào vì là tài sản chung của xóm”.

Liên quan đến tranh chấp nói trên, từ năm 2006 đến nay, UBND xã Tân Thịnh đã tổ chức nhiều lần hòa giải, Tòa án Nhân dân huyện cũng hòa giải và có công văn đề nghị xem xét lại việc cấp đất. Tháng 5-2013, UBND huyện Định Hóa ban hành Quyết định số 1065/QĐ-UBND kết luận về vấn đề này. Nội dung quyết định nêu: Hủy Quyết định số 9978/QĐ-UB ngày 31-12-2002 của UBND huyện Định Hóa về giao đất lâm nghiệp cho ông Phạm Bá Mưu do chưa đảm bảo các quy định về giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Trên cơ sở các bên tranh chấp đã thỏa thuận, giao UBND xã Tân Thịnh phối hợp với cơ quan chuyên môn lập thủ tục giao đất lâm nghiệp trình UBND huyện xem xét giao 1/2 trong tổng diện tích 12,3ha cho ông Phạm Bá Mưu và phần còn lại UBND xã Tân Thịnh hướng dẫn, chỉ đạo tập thể xóm Làng Đúc quản lý, bảo vệ theo quy định của Nhà nước.

Dù đã có kết luận rõ ràng và bản thân cũng ký vào biên bản hòa giải nhưng gia đình ông Phạm Bá Mưu vẫn tiếp tục có ý kiến đến cơ quan chức năng. Lý do là sau 5 năm UBND huyện có quyết định, sổ giao đất cũ với tên ông Mưu vẫn chưa thu hồi và cấp số mới. Việc phân định ranh giới trên thực địa chưa được tiến hành. Ông Mưu cũng thắc mắc, thời điểm năm 2006, khi toàn bộ diện tích đất lầm nghiệp nêu trên được ghi trong số của gia đình nhưng tập thể xóm Làng Đúc đã tự ý phát và trồng cây là không đúng. Thực tế cuối năm 2017 vừa qua, xóm Làng Đúc đã tổ chức khai thác và bán 3 khoảnh rừng tại đây được gần 300 triệu đồng. Chỉ 15 triệu đồng trong số này được trích lại cho xóm làm quỹ tập thể, còn lại chia cho các hộ tham gia trồng rừng.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Định Hóa giải thích: Việc chưa thể đo vẽ, chia tách và giao đất lâm nghiệp lại cho tập thể xóm Làng Đúc và cá nhân gia đình ông Mưu do thiếu nhân lực và thiết bị kỹ thuật. Phải chờ có đợt tổ chức đo vẽ tổng thể chứ không làm được cho từng trường hợp cụ thể. Vì lý do này, mà đến này các bên vẫn chưa biết chính xác phần đất của gia đình mình tới đâu để có thể yên tâm canh tác. Đây cũng là điều chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm để người dân yên tâm canh tác.