Trong hành trình đưa các đoàn đến thăm và tặng quà quân và dân đang sinh sống, đóng quân trên quần đảo Trường Sa, những đầu bếp trên tàu Trường Sa 571 mà chúng tôi quen gọi với hai từ thân thương “anh nuôi” chính là những chiến sĩ thầm lặng, tận tụy phục vụ chu đáo từng bữa ăn cho mỗi thành viên trong đoàn.
Một ngày các thành viên trong đoàn được phục vụ 4 bữa ăn (sáng, trưa, chiều và đêm). Mặc dù hành trình của đoàn trên biển dài tới 11 ngày, nhưng trong các bữa ăn đều có rau xanh, món ăn thay đổi hằng ngày; bữa đêm được ăn nhẹ bằng cháo hoặc chè, ngô, khoai luộc… nên mặc dù mệt mỏi vì sóng, gió song đến bữa mọi người đều cảm thấy ngon miệng. Để có những bữa ăn ngon, các “anh nuôi” phải làm việc vất vả trong điều kiện sóng gió.
Trao đổi cùng chúng tôi, Tổ trưởng Tổ phục vụ Trung úy Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Trong số 14 thành viên tổ phục vụ trên tàu có 3 đầu bếp chính. Trong đó chỉ có em được đào tạo chính quy về nấu ăn chuyên nghiệp, còn các anh em được trưng tập từ nhiều bộ phận từ kỹ thuật, thủy thủ tàu, lái xe… Đặc biệt, 100% anh em trong tổ phục vụ đều có thời gian đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Những anh em được chọn lên tổ này đều phải chịu được sóng gió, có sức khỏe mới làm tốt được công việc phục vụ. Mùa này đi biển còn đỡ, chứ có những hôm gặp thời tiết mưa bão, nấu rồi sóng đánh đổ lại phải nấu lại, vì thế anh em trong tổ rất vất vả, chưa kể nhiệt độ trong nhà bếp cao, rất nóng...
Khi tôi thắc mắc làm thế nào để bảo quản rau xanh đủ phục vụ cả chuyến đi cho hơn 200 người ăn, Tổ trưởng Tổ phục vụ Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Để phục vụ bữa ăn cho thành viên đoàn công tác, trước khi đoàn lên tàu 3 ngày chúng em đã xây dựng thực đơn các món cho từng bữa ăn, ngày, định lượng khẩu phần ăn. Với kế hoạch chi tiết như vậy thì các bữa ăn không khiến người ăn bị nhàm chán. Sau khi nhập thực phẩm, Tổ tiến hành phân loại để bảo quản. Khó nhất là bảo quản rau xanh. Vì thế từ khi chọn đã phải chọn rau chất lượng, để khô trong phòng mát, sau đó bọc nilong đóng kín sắp xếp vào kho lạnh bảo quản. Rau và các loại củ, quả phải để riêng, không để chồng lên nhau dẫn tới dập nát, thực phẩm sẽ không còn dinh dưỡng. Đối với hành trình dài ngày thì càng phải tính toán hợp lý, làm sao có thể sát nhất, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho anh em, bởi phục vụ cho đoàn nhiều đối tượng, nhiều vùng miền trong điều kiện trên biển không dễ dàng như ở đất liền thiếu gì có thể bổ sung luôn, dôi dư thì gây lãng phí mà thiếu thì trên tàu không xoay xở được. Lương thực, thực phẩm dự phòng thường tính thêm 3 ngày. Để hoàn thành nhiệm vụ là công sức đồng lòng của cả một tập thể chứ không phải của cá nhân ai…
Cả đoàn hơn 200 người nên các anh chị em bếp phải làm việc rất khẩn trương, các khâu phối hợp rất nhịp nhàng mới phục vụ kịp. Chưa kể đội ngũ phục vụ bếp đều là các sĩ quan chuyên nghiệp, chỉ có duy nhất tổ trưởng được đào tạo đúng chuyên ngành nên họ phải tự hoàn thiện, mày mò để có những món ăn ngon trong mỗi chuyến đi, để các thành viên trong đoàn công tác có được sức khỏe tốt, đó chính là niềm vui của mỗi anh nuôi trên tàu.
Sức chứa của nhà ăn trên tàu chỉ có thể bố trí được khoảng 60 người, không thể ăn tập trung trên bếp cho nên các anh em trong tổ phục vụ càng vất vả hơn khi phải chia nhau ra để đưa đồ ăn đến tận phòng cho các thành viên trong đoàn. Vì thế, nhân lực của tổ phục vụ phải chia hợp lý, bình quân mỗi anh nuôi phục vụ khoảng 15 người trong một ngày, các anh phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng và kết thúc công việc hằng ngày vào khoảng 11 giờ đêm. Như vậy, mỗi người chỉ được ngủ hơn 4 tiếng/ngày.
Công việc vất vả là vậy, nhưng thái độ, tinh thần phục vụ của các anh nuôi rất vui vẻ. Thượng úy Đỗ Văn Công đảm nhiệm việc nấu cơm trên tàu chia sẻ: Mỗi người chịu trách nhiệm một mảng nhưng khi bước chân lên tàu thì mọi người hầu như hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình phục vụ trên tàu chúng em cũng không tránh khỏi những rủi ro. Có người đang bê đồ ăn xuống các phòng bị ngã sụn lưng, có người bị ngã lật cả móng chân, có những lúc sóng cấp 7 cấp 8 mọi người đều bị say sóng nhưng khi đỡ mệt lại phải bắt tay vào công việc ngay, đảm bảo phục vụ cho các thành viên được chu đáo nhất. Chưa kể trong các chuyến đi đều có người bị say sóng, chúng em nấu chế độ riêng như cháo, cơm cháy, luộc ngô, khoai cho mọi người vì khi say ăn những đồ khô sẽ dễ chịu hơn. Đợt này đi thuận lợi lớn là sóng gió ít nên phục vụ các thành viên trong đoàn cũng chu đáo, đó chính là niềm vui của cán bộ hậu cần chúng em.
Cá nhân tôi cũng như mỗi thành viên trong đoàn công tác đều rất hài lòng với tinh thần, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của những người anh nuôi trên tàu. Mọi người cảm thấy khâm phục khi không hiểu tại sao trong hoàn cảnh tàu cứ dập dềnh liên tục mà vẫn có những bữa ăn ngon, sự phục vụ tận tình, chu đáo đến từng người. Khi được hỏi, những người anh nuôi trên tàu chỉ cười rất khiêm tốn nói rằng, đó là nhiệm vụ của họ. Chúng tôi hiểu với người lính đó là “nhiệm vụ”, bởi tuy họ không được đào tạo về nấu ăn, mỗi người công tác ở một lĩnh vực khác nhau, nhưng khi được phân công ở bất cứ công việc gì họ đều cố gắng hoàn thành tốt nhất. Trong mắt mỗi thành viên trong đoàn, mỗi người đều có một nhiệm vụ và sự vất vả riêng, nhưng hình ảnh những anh nuôi trên tàu tận tụy với từng bữa cơm cho mỗi người là hình ảnh đáng trân trọng nhất.