Những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác dân số trên địa bàn huyện miền núi này cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp.
28 tuổi, chị Phan Thị Nga ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) có thai lần hai sau khi đã có một con gái 5 tuổi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh, cả hai lần có thai, chị Nga tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của cán bộ y tế, tiến hành các bước sàng lọc đầy đủ, cẩn trọng. Con cái khỏe mạnh, chị Nga và gia đình rất an tâm làm ăn kinh tế, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc. Chị cho biết: Ngay từ lần sinh thứ nhất, tôi đã được cán bộ y tế xã tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên nên dù còn trẻ, thiếu kiến thức nhưng tôi đã được khám sàng lọc.
Tuy nhiên, là địa bàn có tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thay đổi nhận thức của người dân ở Lâu Thượng về nâng cao chất lượng dân số cũng gặp nhiều khó khăn. Còn nhiều người dân trên địa bàn xã chưa nhận thức đúng, đầy đủ về công tác dân số. Số liệu năm 2017 cho thấy, toàn xã có gần 110 trẻ sinh ra thì chỉ có 7 trẻ được khám sàng lọc sơ sinh và có tới 8 trẻ là con thứ ba trở lên. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đường Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế Lâu Thượng cho biết: Hiện nay, Trạm đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền do người dân trong độ tuổi sinh đẻ thường đi làm ăn xa nhà; nhiều người còn có tư tưởng sinh con trai để có người “nối dõi”; hoạt động truyền thông lồng ghép về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn ít được các đơn vị quan tâm, phối hợp…
Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Võ Nhai, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nâng cao chất lượng dân số. Công tác chuyên môn được Trung tâm và các trạm y tế triển khai đồng bộ với những nội dung cụ thể như: Cung cấp đầy đủ các biện pháp tránh thai cho đúng người có nhu cầu sử dụng; thực hiện nhiều chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kê hoạch hóa gia đình đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao; duy trì triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, can thiệp giảm tỷ lệ mắc mới bệnh tan máu bẩm sinh trong cộng đồng... Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được duy trì và tăng cường dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú; hoạt động truyền thông thường xuyên, truyền thông lồng ghép cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn vẫn còn nhiều thách thức. Năm 2017, toàn huyện có gần 1,2 nghìn trẻ mới sinh, tăng 76 trẻ so với năm 2016. Lượng sinh tăng đã khiến cho tỷ suất sinh thô toàn huyện đạt 17,45%o , tăng 1,01%o so với năm 2016. Bên cạnh đó, trong tổng số sinh, toàn huyện chỉ có 117 trẻ được sàng lọc sau sinh và có tới trên 100 trẻ, chiểm tỷ lệ 11% là trẻ thứ 3 trở lên. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Hai năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng tăng mạnh trên địa bàn của huyện. Trong khi trong khi tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên năm 2016 là 8,1% thì tỷ lệ này năm 2017 tăng thêm tới gần 3% và đạt tỷ lệ 11% tổng số sinh. Lượng sinh con thứ ba trở lên tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào người dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Nhưng cũng có một số trường hợp sinh con thứ ba trở lên là cán bộ đảng viên. Theo thống kê của Trung tâm thì có một số xã có tỷ lệ người sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh như: Phương Giao 22,2%, Tràng Xá 16,4%, Dân Tiến 16,7%, Thuợng Nung 17,6%.
Theo bà Hạnh, công tác dân số của huyện Võ Nhai cũng khá nóng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn. Riêng năm 2017, tỷ lệ bé trai so với bé gái được sinh ra trên địa bàn toàn huyện là 117/100. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân vẫn nặng tư tưởng trọng nam, muốn có con trai để nối dõi; có đông con để lấy người làm; nhận thức, kiến thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, vấn đề truyền thông, tuyên truyền chính sách dân số và kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số còn nhiều bất cập trong khi địa bàn rộng, đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí còn chưa cao...Để khắc phục tình trạng này, năm 2018, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Võ Nhai cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: triển khai kế hoạch ký cam kết về thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đến các xã, thị trấn ngay từ đầu năm; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các đề án nâng cao chất lượng dân số; duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền vận động các đề án về nâng cao chất lượng dân số tại cơ sở; tăng cường công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai; chú trọng giám sát hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn đối với các xã, thị trấn; tham mưu với các cấp có thẩm quyền củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình…
Theo bà Trần Thị Hạnh, hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số đã được đẩy mạnh, song vẫn là bài toán khó tại các vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Chính vì thế, ngoài sự vào cuộc của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi cần được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa để phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình qua đó từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.