Cùng con cai nghiện game, ti vi

09:00, 15/06/2018

Trước khi đánh mắng con trẻ, đầu tiên mỗi bậc phụ huynh cần nhận thức được lỗi khiến những đứa trẻ nghiện game, ti vi chìm đắm trong thế giới ảo của internet, dẫn tới bỏ học, kết quả học hành sa sút, mắc bệnh trầm cảm... chính là ở mình. Để cai nghiện game, ti vi cho con, rất cần cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho các con, để chúng vui chơi, học hành, phát triển bình thường.

Trong cuộc sống hiện đại khi mà công nghệ thông tin bùng nổ, bố mẹ càng có nhiều mối bận tâm ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền nên thời gian dành cho con cũng bị thu hẹp. Không khó để thấy một đứa trẻ lên hai, ba tuổi đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính bảng với các thao tác nhanh nhạy. Nhiều bậc cha mẹ dỗ con ăn uống, học hành bằng việc để chúng tiếp xúc với những trò chơi điện tử, những đoạn phim trên internet... lâu dần, hành động đó đã hình thành thói quen xấu cho trẻ. Chúng có thể “dán mắt” vào chiếc màn hình bé xíu cả ngày trời xem hoạt hình hay chơi game mà không biết chán. Nhất là vào dịp hè như hiện nay, nhiều phụ huynh bận đi làm, không có chỗ gửi con đành khóa trái cửa để con ở nhà một mình chơi hoặc mở ti vi xem. Bên cạnh đó, việc các bậc phụ huynh ham mê game, mạng xã hội cũng là tấm gương xấu để trẻ nhìn vào và bắt chước.

Nhiều người dân ở xã Thanh Ninh (Phú Bình) vẫn chưa quên câu chuyện con trai nhà chị Hà Thị Thơm. Anh chị làm nghề buôn bán hoa quả nên thường xuyên đi giao hàng trên T.P Thái Nguyên từ nửa đêm đến sáng. Về nhà mệt mỏi nên anh chị không có thời gian quan tâm đến con. Bởi vậy, con trai chị nghiện game từ lúc nào không hay, để có tiền chơi ngoài quán net cùng bạn, cậu đã không ít lần lấy trộm hàng triệu đồng của bố mẹ. Khi bị bố phát hiện và lôi từ quán net về đánh đòn thậm tệ, cậu đã bỏ nhà ra đi nhưng được gia đình tìm về ngay sau đó. Bằng đủ mọi cách từ đánh đòn và quát mắng nhưng vợ chồng chị Thơm vẫn không thể cai nghiện game cho con. Đỉnh điểm là vào đầu năm 2018 (25 Tết Nguyên Đán), con trai chị đã lấy trộm gần 20 triệu đồng và bỏ nhà ra đi. Gần 1 tháng không thấy con, anh chị Thơm thuê người đi tìm khắp nơi mới thấy con người hốc hác, xanh xao. Hóa ra con bị người xấu lợi dụng lấy hết tiền. Ngày họ bắt cậu bé làm công việc rửa bát ở nhà hàng ăn uống để lấy tiền tối chơi game. Việc nghiện game khiến trẻ lơ là học hành, thậm chí bỏ học như con nhà chị Thơm nói trên cũng không phải là hiếm. Như trường hợp cháu Hoàng Văn Quang, ở xã Tân Đức (Phú Bình). Bố mẹ Quang ở Hà Nội đã ly hôn từ lâu và gửi Quang về quê học, nhờ ông bà nội chăm sóc. Bị bạn bè xấu rủ rê, Quang thường xuyên trốn học ngồi cả ngày ở quán internet.

Tôi nhớ vào đầu hè vừa qua, lúc ra quảng trường Võ Nguyên Giáp (T.P Thái Nguyên) cùng con đá bóng thì gặp hai mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân. Chị Xuân nhà ở gần Nhà văn hóa công nhân Gang thép, chiều thứ 7, chủ nhật nào cũng đèo con lên quảng trường chơi. Cậu bé T. con chị Xuân cùng tuổi với con trai tôi nhưng có vẻ nhút nhát hơn nhiều. Phải mất gần 30 phút, cháu mới bắt quen với con tôi và một cậu bé khác để cùng đá bóng. Ngồi cạnh tôi, chị Xuân tâm sự: Hồi thằng bé 3-4 tuổi, con gái đầu của chị thi tuyển vào lớp 6 một trường điểm của thành phố nên anh chị dành nhiều thời gian học, ôn luyện cùng con. Ngoài ở trường và lớp học thêm về nhà chị đều dành kèm cặp con gái. Vì vậy, con trai được chị “quẳng” cho chiếc ipad chỉ để xem ca nhạc và hoạt hình. Mấy năm qua, con suốt ngày chỉ thích một mình trong phòng với ipad. Ở nhà và ở trường, ai hỏi gì nói nấy, còn thường xuyên thu mình không giao tiếp với ai. Hiện nay cháu mắc bệnh tự kỷ, thân hình còi cọc, thiếu dinh dưỡng. Mấy tháng qua, vợ chồng chị sắp xếp thời gian để luôn cùng học, cùng chơi với con và thấy cháu tiến bộ nhiều. Ham mê bóng đá, ăn khỏe, ngủ khỏe, nhất là tinh thần vui vẻ, hay nói, hay cười hơn trước đây.

Còn với chị Trần Thu Hương, xã Dương Thành (Phú Bình) thì ngay khi kết thúc năm học vừa qua, chị Hương đã đăng ký cho con trai tham gia khóa tu luyện ở chùa Quan Thế Âm (Sóc Sơn, Hà Nội). Chị hy vọng, sau khóa học này con sẽ “tu tâm dưỡng tính”, ngoan ngoãn, nhất là xa rời game. Cậu con trai chị từ năm lớp 5 đã có phòng riêng, máy tính nối mạng để học tập. Lúc đầu cháu học hành rất nghiêm túc, dần dần cháu hay chơi điện tử trộm khi mẹ vắng nhà và từ lúc nào đã nghiện game, có hôm chơi thâu đêm mà bố mẹ không hay biết. Vừa qua, khi kết quả cuối năm học của con thấp, thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ chị Hương mới theo dõi và giật mình khi biết con trai thường xuyên khóa trái cửa đánh điện tử. Khi bố dùng roi đánh thì cậu bé học lớp 7 hùng hổ, nói những lời bất cần và ôm quần áo đòi bỏ nhà ra đi. Chưa hết, cậu còn bị cận và loạn trên 2 độ do thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính.

Đang là thời điểm nghỉ hè, vì thế giải pháp nhiều phụ huynh đã lựa chọn đó là đăng ký cho con tham gia các lớp thể thao, năng khiếu, kỹ năng sống ở nhà thiếu nhi, các trung tâm. Ai cũng mong, sẽ có một mùa hè thật sự bổ ích, vui khỏe và nhất là nói không với game và ti vi cho con. Nhiều người đã dành thời gian đưa con đi tập đá bóng, học thêm, mong sẽ cai nghiện game và tivi dần dần cho con.

Thời buổi hiện đại ngày nay, việc giáo dục con trẻ không hề đơn giản và muốn có kết quả tốt mỗi bậc cha mẹ cần chuẩn bị những kỹ năng nhất định cho mình. Ngoài các giải pháp tạm thời như cho trẻ học các môn năng khiếu, kỹ năng sống, tham gia sinh hoạt nhiều hoạt động dịp hè, bố mẹ cũng nên là tấm gương “cai nghiện” game và mạng xã hội. Đồng thời là người bạn luôn bên con, trò chuyện, lắng nghe các con, hướng trẻ đến một cuộc sống tốt đẹp, giúp con phát triển tự nhiên, không lệ thuộc vào game và internet quá nhiều dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.