Gia đình - Điểm tựa yêu thương

16:11, 28/06/2018

Với chủ đề "”Gia đình - Điểm tựa yêu thương", các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay đã diễn ra một cách phong phú và đa dạng, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Kể từ khi Chính phủ quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, 17 năm qua, ngày 28-6 đã trở thành ngày truyền thống đối với mỗi cá nhân, gia đình Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gia đình Việt Nam luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Gia đình mang tính liên kết chặt chẽ, gắn bó, quan hệ máu thịt giữa các thành viên. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam luôn tồn tại và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gia đình truyền thống Việt Nam hòa thuận, hiếu thảo, khoan dung, chung thủy.

Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một ngày hội, nhắc nhở tất cả chúng ta, mỗi thành viên trong gia đình luôn biết quan tâm, chia sẻ và yêu thương chăm sóc cho nhau, đồng thời phát huy chức năng quan trọng của gia đình là giáo dục các thế hệ tiếp nối những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ðây chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con em mình duy trì, phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ; khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động bởi nhiều hành vi xuất hiện trong quá trình phát triển của xã hội mới. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một số trẻ em đang có nguy cơ bị lung lay bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình.

Trong xã hội hiện đại, gia đình không phải là môi trường duy nhất giáo dục trẻ em. Ngoài gia đình, trẻ em còn chịu ảnh hưởng của nhiều môi trường giáo dục khác như nhà trường, nhóm bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng (trong đó có mạng xã hội)... Ðiều đáng lo ngại là vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành "tổ ấm" cho mỗi con người. Khi cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, các thành viên không được đối xử bình đẳng, cha mẹ thiếu gương mẫu và không có thời gian hoặc không quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia đình gia tăng... thì gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục; các thành viên trong gia đình khó hòa thuận, hạnh phúc; đặc biệt, con cái khó có thể sống trong tình yêu thương và hình thành nhân cách tốt.

Có thể thấy rõ nhất là cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, trở thành tác nhân phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều cũng đặt ra mối quan tâm, lo lắng trong cộng đồng. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong hệ thống xã hội tổng thể, sự vững mạnh hay bất cập của gia đình sẽ có tác động lớn đối với việc quản lý xã hội nói chung. Cũng từ nguyên nhân đó, giáo dục gia đình chưa được coi trọng. Bản thân một số người làm cha làm mẹ chưa thật sự gương mẫu với các con, đôi khi còn là hình ảnh xấu cho các con làm theo.

Ðể khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh xung quanh vấn đề gia đình trong xã hội hiện đại, thiết nghĩ, cần có những định hướng và chỉ đạo rõ nét hơn trong công tác quản lý nhà nước về gia đình, mà một trong những định hướng quan trọng trong giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ em trở thành những công dân tốt, đó là gia đình phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, hỗ trợ nhà trường và có sự quan tâm đúng mức đến các em, dành cho các em một môi trường phát triển lành mạnh và an toàn. Cộng đồng dân cư cần có những hành động cụ thể làm cho Ngày Gia đình Việt Nam thật sự trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với gia đình của mình. Đó cũng chính là thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của đất nước, của dân tộc.