Trên địa bàn tỉnh hiện còn gần 57.000 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 17,79%. Nhiều hộ trong số đó gặp khó khăn về đất, thiếu vốn sản xuất, nhân công lao động... Trong bối cảnh đó, việc quan tâm giới thiệu và giải quyết việc làm cho người nghèo đã được các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh nhằm giúp họ có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.
Để người nghèo có cơ hội tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp, tỉnh đã tăng cương tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương bình và Xã hội) đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm lưu động, trong đó, tập trung ưu tiên các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Mỗi phiên thu hút được khoảng 500 người tham gia, trong đó có khoảng 30% người nghèo đến tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tại các phiên giao dịch việc làm, người dân được cung cấp thông tin, tư vấn, giải đáp các câu hỏi về việc làm, tiền lương, chế độ cho người lao động (NLĐ). Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã trực tiếp tham dự các phiên giao dịch, tư vấn và lựa chọn các ứng viên. Được biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đạt được thỏa thuận với một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các doanh nghiệp phụ trợ, Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên về ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo có trình độ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc. Trước các phiên giao dịch, thông tin về doanh nghiệp, vị trí, yêu cầu tuyển dụng cũng được cung cấp để người dân tìm hiểu và nắm rõ thông tin. Tham gia phiên giao dịch việc làm tại xã Dân Tiến (Võ Nhai), anh Lưu Văn Minh, xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi không tiếp tục học lên mà ở nhà làm nông nghiệp. Tuy nhiên do thiếu vốn sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao, gia đình vẫn quanh quẩn với cảnh nghèo khó. Được sự giới thiệu của cán bộ xã, tôi đến đây để tìm kiếm cơ hội việc làm với mong muốn có công việc và mức lương ổn định, giúp gia đình thoát nghèo.
May mắn tìm được việc làm sau phiên giao dịch tại xã Hợp Thành (Phú Lương), anh Trần Văn Thắng ở xóm Làng Mon, xã Hợp Thành bộc bạch: Sau khi được tư vấn, giải đáp thông tin, chúng tôi còn được tham quan nhà máy, xem và nghe giới thiệu về công việc cụ thể của công nhân. Sau phiên giao dịch việc làm, tôi đã xin ứng tuyển vào làm việc tại Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ và được nhận vào làm việc. Hiện nay, tôi đang làm việc tại Nhà máy với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này là rất khá so với hộ nghèo như gia đình tôi.
Theo ước tính, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 100 NLĐ thuộc diện hộ nghèo tìm được việc làm ổn định. Tuy vậy, thực tế cho thấy con số này còn ở mức khá khiêm tốn so với số lượng người tham gia các phiên giao dịch, đặc biệt là so với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này phải kể đến việc trình độ của NLĐ hiện nay chưa đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp. Lý giải về điều này, bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay: Đa phần NLĐ thuộc diện hộ nghèo đến ứng tuyển là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo bất cứ một ngành, nghề nào. Số khác đã từng làm việc ở nơi khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, lao động làm việc trong khối nghề điện tử của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Kể cả những lao động đã qua đào tạo ở các trường nghề, nếu được tuyển dụng các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo thêm. Vì vậy, số lượng người ứng tuyển được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp thông qua phiên giao dịch việc làm là không cao.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là một bộ phận người nghèo vẫn còn “sức ì” nhất định. Mặc dù số lượng người nghèo đến tìm hiểu thông tin tại các phiên giao dịch rất cao nhưng số người thực sự nộp hồ sơ xin tuyển dụng lại thấp. Lý do được nhiều người đưa ra là: địa điểm làm việc xa, cường độ lao động cao, lương thấp…
Trên thực tế, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Không những vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện mô hình liên kết tuyển dụng, lao động Thái Nguyên có cơ hội làm việc ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho người nghèo tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng có chính sách ưu tiên tạo việc làm cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngày 8-5-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản số 1640 về việc tăng cường công tác giải quyết việc làm cho NLĐthuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan trong tuyển dụng ưu tiên giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Chính sách đã có, nhu cầu của thị trường lao động còn tương đối lớn, cơ hội có việc làm ổn định của người nghèo đã được mở ra. Tuy vậy, để thực sự tiếp cận được với thị trường lao động, NLĐ nghèo cũng cần trang bị trình độ, nâng cao nhận thức về giải quyết việc làm, tư duy lao động công nghiệp. Đây vừa là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc đào tạo, tuyên truyền nâng cao trình độ, nhận thức cho NLĐ, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chủ động nhận thức, vươn lên trong cuộc sống.