“Các đồng chí chuẩn bị máy tính xách tay, cuối tuần này Ban Biên tập tổ chức cho chúng ta 2 ngày học Infographic - Thiết kế đồ họa thông tin”- Đồng chí Chu Thế Hà, Trưởng phòng Báo Thái Nguyên Điện tử thông báo.
Đúng lịch, chúng tôi có mặt tại hội trường cơ quan Báo Thái Nguyên. Giảng viên hướng dẫn phương thức chuyển tải thông tin mới này cho chúng tôi là Nhà báo - họa sĩ Trần Việt Anh, Báo Dân Việt - Nông thôn ngày nay. Hơn 50 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên là những người trực tiếp hàng ngày sáng tạo nên những tác phẩm báo chí đăng tải trên Báo Thái Nguyên có mặt đông đủ. Đặc biệt, các đồng chí trong Ban Biên tập cũng khöng ai vắng mặt.
Nhà báo Chu Thế Hà, Trưởng phòng Báo điện tử: Để tạo ra một sản phẩm báo chí hay, được công chúng đón nhận ngoài nội dung thì hình thức thể hiện phải dễ hiểu và hấp dẫn. Infographic là một trong những giải pháp giải quyết được vấn đề này. Tôi mong rằng, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên có nhiều cơ chế khuyến khích phóng viên thực hiện tác phẩm bằng hình thức thiết kế đồ họa, nhất là trên báo điện tử. |
Hoàng Cường, phóng viên Phòng PV Kinh tế, Báo Thái Nguyên: Là phóng viên mới vào nghề nghề những lớp tập huấn như thế này thật sự bổ ích cho cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp. Không chỉ học được những kỹ năng, tôi còn tiếp cận được những tuy duy mới trong thể hiện tác phẩm báo chí. Từ lớp học này, tôi sẽ chủ động học hỏi thêm về đồ họa để có thể tự thực hiện những tác phẩm của mình trong thời gian tới. |
Vi Vân, phóng viên Phòng PV Kinh tế - Báo Thái Nguyên: Tôi nghĩ rằng, bổ sung thêm kỹ năng thực hiện đồ họa thông tin góp phần quan trọng để mình không bị tụt hậu so với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, để làm được đồ họa thông tin không phải điều đơn giản, cần phải có thời gian tìm tòi, nghiên cứu và cần được hướng dẫn tỉ mỉ trên phần mềm đồ họa chuyên biệt. Tôi mong Ban Biên tập sẽ có thêm những lớp tập huấn về đồ họa thông tin cho phóng viên để phục vụ cho việc viết tin, bài. Có như thế, tờ báo Đảng mới thực sự phong phú, cuốn hút bạn đọc. |
Hoạ sĩ Thanh Hạnh, Phòng Thư ký Xuất bản, Báo Thái Nguyên: Mỗi một dấu mốc, một bức ảnh, một biểu tượng, hình vẽ hoặc màu sắc trong Infographic đều mang giá trị thông tin. Loại hình này không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian cho bạn đọc mà còn khiến trang báo được trình bày đẹp hơn. Đối với họa sĩ, việc thực hiện nhiều tác phẩm báo chí có kết hợp Infographic sẽ giúp chúng tôi tăng khả năng sáng tạo trong việc trình bày trang báo của mình. |
Trong lời phát biểu ngắn gọn về mục đích cũng như mong muốn đạt được thông qua lớp học, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Bí thư Đảng bộ, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên nhấn mạnh: Cùng với dòng chảy của báo chí cả nước, báo chí Thái Nguyên tự hào về những gì tập thể cán bộ, người lao động qua các thời kỳ đã gây dựng được. Tuy vậy, trước yêu cầu này càng cao của công chúng, Tòa soạn và cá nhân mỗi người làm báo phải không ngừng nỗ lực, làm mới mình để phù hợp với thời cuộc. Bởi vậy, lớp học được tổ chức với mong muốn mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo Thái Nguyên được tiếp cận và dần hình thành kỹ năng trong việc tạo ra các sản phẩm báo chí đa dạng, có chất lượng ngày một cao hơn. Đặc biệt, đồng chí chia sẻ: Ban Biên tập dù không phải là người thực hiện các kỹ thuật này, nhưng chúng tôi ngồi đây tiếp thu cùng các đồng chí, để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất khi các đồng chí bỏ tâm huyết, sự sáng tạo và niềm đam mê vào mỗi tác phẩm.
Những lời phát biểu ấy cùng sự đồng hành của các thành viên trong Ban Biên tập Báo Thái Nguyên tại lớp tập huấn nghiệm vụ cho cán bộ, nhân viên của Tòa soạn khiến chúng tôi thấy mình được động viên, khích lệ và cả sự tin tưởng của Tòa soạn dành cho mình.
Giảng viên Trần Việt Anh cho biết: Đồ họa thông tin chính là một loại hình báo chí, vừa mới mẻ trong cách thể hiện, vừa mới mẻ trong cách tiếp nhận nên rất thú vị với bạn đọc. Theo các khảo sát của quốc tế, những hình ảnh gây ấn tượng tốt hơn và sâu hơn trong trí não của con người so với việc chỉ đơn thuần đọc con chữ. Do vậy, việc sử dụng đồ họa trong báo chí hiện đại là một xu hướng tất yếu và phổ biến. Nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sử dụng loại hình này trên cả báo in và báo điện tử, thậm chí cả trên truyền hình. Có thể sử dụng đồ họa thông tin trước, trong hoặc sau mỗi sự kiện lớn. Hoặc thể hiện một chủ đề với nhiều sự kiện, diễn biến theo chuỗi thời gian, từ đó sinh động hóa, giúp độc giả cảm thấy hứng thú và dễ hiểu.
Cách thể hiện chỉ là kỹ năng, sử dụng các phần mềm đồ họa nhưng quan trọng nhất vẫn là ý tưởng và chất liệu để xây dựng nên tác phẩm báo chí. Nội dung này đã được các học viên trao đổi một cách sôi nổi. Những nhóm nhỏ được hình thành để tự làm các sản phẩm. Việc đưa ra vấn đề, sự kiện; lựa chọn thông tin và cách thể hiện ý tưởng “thô" bằng bút trên giấy và cách thể hiện ý tưởng trên máy tính sao cho chính xác, khoa học sẽ hấp dẫn đối với độc giả. Phóng viên Nguyễn Hoàng Hưng, Phòng Văn hóa - Xã hội nhận xét: Tôi vốn là người thích công nghệ và hay tìm hiểu các xu hướng làm báo mới. Tôi cảm thấy lớp học thật sự hữu ích đối với người làm báo, nhất là báo chí địa phương như Thái Nguyên. Thiết kế đồ họa thông tin giống như một “gia vị” giúp cách thể hiện các tác phẩm báo chí thêm đa dạng, độc đáo và thu hút hơn. Tôi tin rằng, nếu thực hiện tốt thì công chúng sẽ quan tâm nhiều hơn đối với Báo Thái Nguyên, nhất là trên nền tảng điện tử.
Rõ ràng, những thay đổi thời đại cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay đã tác động không nhỏ đến các phương tiện truyền thông truyền thống. Do vậy cũng đòi hỏi kỹ năng tác nghiệp của nhà báo không thể “dậm chân tại chỗ”. Những kỹ năng cơ bản như viết bài, chụp ảnh, quay video đã không còn đủ đáp ứng công việc của một người làm báo chuyên nghiệp. Bởi vậy, công tác bồi dưỡng nhân lực luôn được Ban Biên tập Báo Thái Nguyên quan tâm, chú trọng. Lớp học thiết kế đồ họa không chỉ giúp trang bị thêm một kỹ năng cho người làm báo mà còn cho thấy sự thức thời, nắm bắt và hội nhập với xu thế chung của làm báo hiện đại. Với các ấn phẩm báo chí tiệm cận tính đa phương tiện đã có trên báo Thái Nguyên hiện nay (gồm text, ảnh, âm thanh, video), việc phát triển thêm hình thức thiết kế đồ họa thông tin sẽ hội tụ và phát huy tốt hơn sức mạnh của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những tác phẩm báo chí đầu tiên bằng hình thức thiết kế đồ họa thông tin đã được hình thành. 3 tác phẩm tốt nhất được giảng viên và Ban Biên tập lựa chọn để chỉnh sửa thêm và đăng tải. Đây là sự động viên rất lớn cho tâm huyết học tập và thực hành nghiêm túc của các học viên. Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên và biên tập viên của Báo Thái Nguyên cũng kỳ vọng lớp học sẽ không chỉ đơn thuần là tập huấn nghiệp vụ, mà là tín hiệu khởi đầu cho một xu hướng thể hiện mới trên Báo Thái Nguyên thời gian tới.