Hôm nay, Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua á quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), biểu dương 70 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MInh. Báo Thái Nguyên xin trân trọng giới thiệu một số cá nhân điển tiêu biểu đó.
Thành công là sự nỗ lực của mỗi cá nhân
Anh hùng Lao động, GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Thành công mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng, mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề. Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu theo phương thức "tự túc, tự cấp" là chính, cùng với các thầy, cô giáo của Khoa Chăn nuôi - Thú y, tôi đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân về chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật. Bản thân vừa giảng dạy đại học, sau đại học, vừa cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh trong chăn nuôi để có biện pháp phòng chống hiệu quả. Trải qua mấy chục năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phần thưởng lớn với tôi chính là đã tham gia đào tạo được nhiều kỹ sư, bác sĩ thú y, thạc sĩ và tiến sĩ chất lượng cao.
Tích cực phát triển kinh tế để hưởng ứng phong trào
Bà Nguyễn Thị Yến, tổ 4, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ): Những năm qua, tôi cùng thành viên trong gia đình đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động. Đặc biệt là phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi gà thịt và trồng rừng. Trung bình mỗi lứa, tôi nuôi 30 nghìn con, xuất ra thị trường các tỉnh lân cận khoảng 100 tấn thịt/lứa. Còn với diện tích 15ha rừng keo, cứ 5 năm gia đình tôi được khai thác gỗ 1 lần. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, tôi còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động, hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ vốn và vật tư cho một số hộ dân trên địa bàn thị trấn Trại Cau.
Chỗ dựa tin cậy của các đồng nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Tổ trưởng sản xuất, Công Ty TNHH Tinh Luyện Vonfram Núi Pháo – Hcstarck: Được phân công nhiệm vụ là Tổ trưởng của bộ phận nung - đóng bao, tôi luôn nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân cũng như mục tiêu của Công ty. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi không ngừng tìm tòi học hỏi về công nghệ dây chuyền của nhà máy, thường xuyên trao đổi ý kiến với các giám sát và công nhân để nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ. Dây chuyền nung - đóng bao là công đoạn đóng vai trò then chốt để đạt hiệu suất cao trong tinh luyện quặng của nhà máy; sản phẩm phải đạt yêu cầu khắt khe về độ tinh khiết, tránh nhiễm bẩn, tạp chất. Bằng tinh thần trách nhiệm, tôi đã nỗ lực để trở thành chỗ dựa tin cậy cho anh chị em, luôn bám sát từng chi tiết công việc để đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời. Với vai trò là Tổ trưởng Công đoàn của Nhóm sản xuất số 1, tôi cũng luôn chia sẻ, giúp đỡ mọi người, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong nhóm sản xuất.
Đóng góp cho tập thể bằng khả năng của mình
Ông Nguyễn Viết Quỳnh, hội viên Chi hội Nông dân xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên): Nhiều năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng xóm, Tổ trưởng Tổ Đảng rồi Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phúc Hưng, tôi nhận thấy dù ở vị trí nào cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và nêu gương. Với người nông dân thì trách nhiệm và nêu gương trước hết là bằng phát triển kinh tế. Hiện, gia đình tôi đang canh tác 2ha cây ăn quả gồm: Nhãn, bưởi và thanh long, mỗi năm trừ chi phí có thu nhập gần 400 triệu đồng. Với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, kinh nghiệm và thị trường, tôi vận động mọi người thành lập Hợp tác xã Phúc Hưng với 10 thành viên, quy mô canh tác 12ha cây ăn quả. Tất cả diện tích này đều đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, thu nhập của các hộ đang tăng lên đáng kể. Với công việc của tập thể, tôi gương mẫu và vận động con cháu thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi đã hiến 900m2 đất, phá bỏ 30m tường rào và chặt 17 cây nhãn, 25 trụ thanh long để phục vụ làm đường giao thông.
Làm việc gì cũng phải đam mê
Nhà báo Đỗ Thị Hiền (Thu Hiền), Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT – TH Thái Nguyên: “Xã hội phân công mỗi người một việc, vậy nên dù làm bất cứ việc gì hãy cố gắng làm thật tốt công việc của mình được phân công”. Với suy nghĩ đó, từ khi là một phóng viên đến khi được lãnh đạo tin tưởng bổ nhiệm là Phó Trưởng Phòng Thời sự, ngoài cố gắng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, bản thân tôi còn sắp xếp thời gian và công việc thật khoa học để đi sâu, đi sát vào cơ sở, thực hiện các tác phẩm báo chí một cách chân thực, hiệu quả. Tôi nghĩ, với nghề báo, việc hưởng ứng các phong trào thi đua chính là việc xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng cao, có sức lan tỏa sâu rộng và tạo hiệu ứng xã hội tốt. Bởi thế ngoài tích cực thực hiện các tác phẩm báo chí để phát trên sóng Đài PT-TH Thái Nguyên, bản thân tôi còn tích cực tham gia vào các giải báo chí do Trung ương và địa phương tổ chức. Gần 10 năm qua, tôi đã đạt 4 giải Báo chí Quốc gia; 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc và Liên hoan Phát thanh toàn quốc… Để có được những thành tích đó, ngoài niềm đam mê với nghề, tôi đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của lãnh đạo cơ quan và các đồng nghiệp trong thực hiện các tác phẩm. Bản thân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Báo chí là một mặt trận”, những nhà báo chúng tôi luôn phấn đấu là chiến sỹ cách mạng trên mặt trận báo chí của Đảng.
Cố gắng tìm tòi để có nhiều sáng kiến
Anh Vũ Xuân Trường, Tổ trưởng Tổ sản xuất, Nhà máy Cán thép Lưu Xá, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Từ thực tế sản xuất cá nhân tôi luôn cố gắng suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, giảm tiêu hai cho phí vật tư dùng chung, tăng hiệu quả làm việc của các thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ năm 2013 đến nay có gần 10 đề tài, sáng kiến khoa học áp dụng vào sản xuất với số tiền làm lợi cho Nhà máy gần 1 tỷ đồng, trong đó có nhiều sáng kiến hữu ích. Với sự nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ của các đồng nghiệp, lãnh đạo Nhà máy nhiều năm liên tục tôi được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2013, tôi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; năm 2017 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Tích cực cống hiến cũng là cách rèn luyện, học tập hiệu quả
Anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn xã Tràng Xá (Võ Nhai): Trên cương vị Bí thư Đoàn xã, tôi đã cùng với các đồng chí trong BCH, Ban Thường vụ Đoàn xã phát động, tổ chức triển khai nhiều phong trào tại địa phương, có ý nghĩa thiết thực và khả năng nhân rộng. đó là việc vận động và phát động sự đóng góp ủng hộ của cộng đồng để giúp đỡ các gia đình nghèo, đoàn viên thanh niên và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã; triển khai các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho thanh niên, giới thiệu việc làm cho thanh niên… Kết quả hoạt động của Đoàn xã, nhất là các công trình thanh niên luôn được đoàn cấp trên và lãnh đạo địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ cần nỗ lực cống hiến, năng động và sáng tạo, đó cũng là cách rèn luyện, học tập hiệu quả.