Năm 2017, toàn tỉnh có 7 người thiệt mạng do lũ cuốn trôi khi qua cầu tràn thì huyện Định Hóa có tới 5 người. Bên cạnh sự nguy hiểm luôn rình rập từ chính các cầu này thì tâm lý chủ quan của người dân cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính. Thực tế này rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao ý thức cảnh giác của người dân và những người tham gia giao thông qua đây trong mùa mưa bão
Định Hoá là huyện miền núi, có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh tạo nên hệ thống suối, khe dày đặc. Vì thế, nhiều năm về trước, trên địa bàn huyện đã xây dựng các cầu tràn để tạo đường giao thông nối giữa các xóm, xã với nhau, tạo điều kiện cho người dân đi lại giao thương. Toàn huyện đã có 52 cầu tràn, nhiều thứ 3 trong toàn tỉnh. Anh Nguyễn Anh Tấn, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Định Hoá cho hay: Vào mùa khô, thay vì phải khó khăn băng qua suối hàng ngày thì những cầu tràn này đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các cầu tràn cũng có những hạn chế nhất định. Phần lớn các tràn trên địa bàn đều có cống thoát nước khá nhỏ; bên cạnh đó với địa hình có nhiều đồi núi, đồng ruộng xung quanh nên khi xảy ra mưa to, nhiều cành và lá cây sẽ bị gãy rụng, trôi qua gây tắc cống rãnh. Vì thế, vào mùa mưa, chỉ cần lượng mưa khoảng 50mm hoặc mưa to liên tục trong ngày là sẽ dẫn đến lụt sâu, nước dâng ngập tràn dao động từ 40cm đến 2m (tuỳ lượng mưa), tạo dòng chảy xiết, rất nguy hiểm cho người và phương tiện mỗi khi đi qua.
Tràn ở xã Quy Kỳ đi ra trung tâm huyện và các xóm, xã khác cũng là một trong những tràn nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ. Khi đó, tràn bị ngập sâu trong nước, người dân hoàn toàn bị “cô lập” với bên ngoài. các bữa ăn phải tận dụng những thực phẩm còn lại trong nhà. Anh gia đình anh Hứa Đức Thượng, xóm Gốc Hồng chia sẻ: Trước đây, chúng tôi còn chủ quan, thấy trời mưa bão, nước dâng tràn cầu vẫn cố đi qua. Nhưng từ năm 2016, khi có người thiệt mạng vì cố qua tràn, mỗi khi chính quyền xã khuyến cáo sắp có mưa bão trên địa bàn huyện, chúng tôi đã chủ động dự trữ thức ăn và không cho gia đình đi qua tràn khi có lũ.
Bên cạnh Quy Kỳ, những xã có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn như Linh Thông, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Định Biên, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Tân Dương, Bình Thành cũng dễ có nguy cơ xảy ra lũ quét và ngập lụt, gây nguy hiểm cho người dân khi qua các cầu tràn trong thời tiết mưa bão. Nhớ lại vụ tai nạn tại cầu tràn Bản Vèn, xã Linh Thông khiến cả gia đình thiệt mạng vào năm ngoái, ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông không khỏi trăn trở: Mặc dù, chúng tôi đã có những công tác cảnh báo, phòng chống trước và trong mùa mưa bão nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Tuy nhiên, đối với người bản địa, do được thông báo thường xuyên và quá quen với địa hình, thời tiết tại khu vực nên phần lớn người dân đã nhận thức được thời điểm nào nên hay không nên qua tràn. Đáng lo nhất là những người từ nơi khác đến, không hiểu mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông tại tràn lúc có lũ nên nguy cơ tai nạn rất có thể xảy ra. Có những vụ tại nạn tại cầu tràn lại xảy ra vào ban đêm, khi bất chợt có mưa to, khiến lũ dâng lên nhanh gây ngập tràn, người dân không lường trước được tình hình.
“Rút ra bài học từ các vụ tai nạn trong những năm trước, vào mùa mưa, chúng tôi đã phân công các xóm phải có trách nhiệm khơi thông cống thoát nước ở tất cả cầu tràn trên trục đường chính; đặt sẵn biển báo, đèn báo tại nhà dân gần cầu tràn, để khi bất chợt xảy ra mưa to, ngập lụt, nếu lực lượng công an, dân quân chưa kịp có mặt thì trực tiếp hộ dân đó sẽ mang ra cảnh báo không cho người đi qua. Đặc biệt, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phát thanh để mọi người nâng cao cảnh giác, mỗi khi có lũ thì phải quan sát cọc tiêu để kiểm tra mực nước, chú ý tốc độ dòng chảy, nếu không an toàn thì dứt khoát không qua tràn...”, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho hay.
Nhận thức được sự nguy hiểm khi người dân đi lại qua cầu tràn vào mùa mưa, ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá cho biết: Ngay từ đầu tháng 5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện (PCTT và TKCN) đã bám sát kế hoạch phòng chống thiên tai của tỉnh để triển khai tới các xã, thị trấn luôn chủ động ứng phó với mọi diễn biến thiên tai có thể xảy ra. Riêng vấn đề cầu tràn, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã triển khai những công việc như: tiếp tục yêu cầu các địa phương thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra canh phòng, cảnh báo đến người dân tại các khu vực nguy hiểm như ngầm, cầu tràn…; chú trọng và sát sao công tác dự tính, dự báo tình hình thời tiết cho các xã, thị trấn; phân công trực ban nghiêm túc 24/24 từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện tới các xã, thị trấn; trang bị cho các cầu tràn nằm trên trục đường chính các vật tư gồm: biển báo, đèn báo, dây phản quang;…
Mặc dù, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền vẫn được triển khai liên tục, kịp thời nhưng vẫn không thể làm vơi đi sự thấp thỏm, lo âu của người dân mỗi khi đi qua các cầu tràn. Chính vì thế, người dân nơi đây vẫn luôn mong muốn có được những cây cầu vững chắc thay thế cầu tràn để con em có thể đến trường, cuộc sống không bị xáo trộn mỗi khi mưa to nước lớn.