Chuyện người hơn 30 năm "vác tù và hàng tổng"

10:23, 31/07/2018

Từ hơn 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Gắng liên tục được người dân trong tổ dân phố 19, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Cái “quyền rơm, vạ đá” ấy người dân trong tổ quàng lên vai - vì ông sống trách nhiệm, có uy tín và luôn hết mình vì mọi người. Trong tổ, nhà ai có việc vui, ông đến chia vui. Nhà ai có việc không may, ông đến chia sẻ, động viên. Có người bảo ông là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Ông bảo: Thế mới là tình người dân phố, “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Cứ cái xe đạp, ông đến từng ngõ, vào từng nhà. Thấy ông, ai cũng vui, vì ông mang đến cho mọi người những thông điệp của cuộc sống, như: Vận động bà con tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực sản xuất, kinh doanh; không để con cháu mắc vào tệ nạn xã hội. Việc gì ông cũng cân nhắc kỹ, nên lời nói có tình, có lý, bà con nghe thuận tai, ủng hộ.

Mới gặp lần đầu, qua cách trò chuyện, tôi nghĩ ông từng là thầy giáo, hoặc từng là một quân nhân mang hàm cấp tá. Ông kể: Năm 1967 tôi có theo học Sư phạm 7+3, nhưng ốm rụng tóc, thầy thuốc bảo bị bệnh ngã nước, cho về nhà chữa bệnh. Đầu năm 1971, tôi tình nguyện nhập ngũ, rồi cũng vì sức khỏe không đáp ứng được nhiệm vụ, đơn vị cho về địa phương, làm anh nông dân cấy lúa, trồng khoai, nộp sản cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thịnh Đán.

Ông Gắng trò chuyện mộc mạc, song có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tôi hình dung về ông, một Đội trưởng sản xuất, quần ống thấp, ống cao lội đồng, lên bãi, tất bật lo cho hộ xã viên “Có bát cơm đầy/Có khúc cá to". Rồi cũng vì linh hoạt khi giải quyết các vướng mắc trong cuộc sống, lao động sản xuất, năm 1986, ông được bà con nơi cư trú tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Ông tâm sự: Đó cũng là những năm đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động theo nhau tìm đến các vùng vàng trong, ngoài tỉnh tìm vận may. Nhưng nghiệt ngã là khi trở về, nhiều người trong số họ bị nghiện nặng ma túy, gây ảnh hưởng trực tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Vừa động viên các hộ dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ông Gắng chủ động đến các gia đình có con em nghiện ma túy, khuyên giải điều hay lẽ thiệt, vận động người nghiện đi cai nghiện hoặc tự cai nghiện tại nhà. Ông thẳng thắn, dám nói ra sự thật, nên nhiều ông bố, bà mẹ có con nghiện ma túy kiềng nể, chịu nghe lời ông khuyên giải.

Năm 2007, bà con trong tổ lại quàng lên vai ông thêm một nhiệm vụ là Trưởng ban bảo vệ dân phố. Những việc “không tên” cuốn ông đi mỗi ngày. Có hôm, từ sớm đến tối chẳng được ăn gì, hễ nhà ai có việc, đều “réo” tên ông. Ông xuất hiện với tư cách là người hòa giải. Ông đúc kết: Người nghiện, bất đắc dĩ mới đi trộm cắp lấy tiền hút chích. Họ luôn muốn hoàn lương, song quan trọng là bà con lân cận, người thân cần khơi dậy ở họ điểm tốt. Cho họ niềm tin để họ từ bỏ một thói xấu. Trong tổ, có trường hợp sau cai nghiện ma túy, tôi đã mang danh dự của mình “thế chấp” với một số chủ cơ sở sản xuất, bảo lãnh cho họ vào làm việc, như trường hợp anh Đỗ Văn Cường, Trần Văn Quang(*) đã đi làm được 3 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán cho biết: Ông Gắng là một Tổ trưởng Tổ dân phố năng động, một thành viên ban bảo vệ dân phố nhiệt tình, đảng viên gương mẫu, một người cao tuổi mẫu mực và còn là một công dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Bản thân ông Gắng cũng không giấu giếm: Từ các dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ và bán hàng tạp hóa, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng. Tôi được thành phố và phường khen thưởng nhiều lần vì thành tích sảnh xuất kinh doanh giỏi; tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Trên Giấy khen đều ghi tên tôi, nhưng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng”, có một người phụ nữ tri ân, tri kỷ, sống thủy trung, luôn cùng tôi đồng hành, đó là bà Trần Thị Thành, vợ tôi. Khi tôi đi làm việc của tổ, thì bà lặng lẽ chăm lo công việc của nhà. Như việc cuối năm 2015, trong tổ xảy ra vụ hỏa hoạn làm 2 ông cháu là Nguyễn Văn Tòng và cháu nội Nguyễn Tiến Hải bị chết. Vừa hay tin, bà Thành đã giục tôi đến thăm, bảo mang theo 5 triệu đồng cho con cháu ông Tòng lo hậu sự. Khi biết ông Nguyễn Văn Hân, hộ nghèo ở tổ 4 đang sống trong ngôi nhà xuống cấp, ông giúp 40 triệu đồng cho ông Hân sửa lại nhà ở an toàn.

- Khi người ta giàu, người ta nghĩ đến việc làm từ thiện. Còn ông làm từ thiện từ khi nào? - Tôi hỏi bâng quơ.

- Tôi không quan tâm là mình làm từ bao giờ, nhưng thấy giúp được ai việc gì, là giúp ngay.

Không tính toán hơn thiệt, nhiều sinh viên nghèo đến nhà ông ở trọ, dịp nghỉ hè, nghỉ tết, ông cho tiền về quê. Vào các dịp Tết Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu, ông ủng hộ tiền cho các cháu thuê đầu lân, mua bánh kẹo. Ông Đồng Ngọc Linh, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi T.P Thái Nguyên cho biết: Ngoài ủng hộ các loại quỹ là hơn 150 triệu đồng, ông Gắng còn là “Mạnh Thường quân” trong vùng, nhiều người nhờ ông cho vay tiền làm ăn đã có cuộc sống kinh tế ổn định; nhiều trường hợp đau ốm, phải vào bệnh viện điều trị, ông ứng tiền cho vay không lấy lãi. Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Năm 2015, Tổ dân phố được phường cấp đất xây dựng nhà văn hoá. Nhưng kèm theo một yêu cầu là phải xây ngay để người dân có nơi hội họp. Việc này đã làm cho Ban Xây dựng của Tổ lúng túng, vì tiền đóng góp từ phía người dân chưa huy động được. Biết việc, vợ chồng ông Gắng tự nguyện cho Ban Xây dựng của tổ vay 600 triệu đồng không lấy lãi để xây nhà văn hoá. Ngoài cho vay, vợ chồng ông Gắng còn ủng hộ thêm cho nhà văn hoá của tổ 3 triệu đồng. Năm 2017, biết các tổ 18, 20 xây nhà văn hoá, ông đến ủng hộ 5 triệu đồng.

Như viên ngọc giữa đời thường, cứ lặng lẽ tỏa sáng bằng hành động bình dị. Tôi nghĩ như thế về vợ chồng ông Gắng. Bởi mỗi ngày khi bình minh gọi mặt trời, ông Gắng lại lo “việc người thiên hạ”. Ông bảo: Thấy người khó khăn gặp hoạn nạn, rủi ro, trong điều kiện mình giúp đỡ được, mà ngoảnh mặt quay đi, thấy tội nặng lắm.

* (Trong bài, tên của người nghiện ma túy dã được thay đổi)