Thực hiện Quyết định 2853-QĐ/TU ngày 30-1-2015 của Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực tổ chức đối thoại với nhân dân và thu được hiệu quả rõ rệt. Hoạt động này góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở.
Quy chế “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” (ở đây gọi tắt là Quy chế) chỉ rõ mục đích của tiếp xúc, đối thoại là: Cơ sở để người đứng đầu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham vấn của nhân dân. Trên cơ sở đó tiếp thu ý kiến, đảm bảo quyền làm chủ và phát huy vai trò giám sát của nhân dân; kiểm tra tính đúng đắn của việc thực hiện các quyết định; kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh để giải quyết hoặc nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; tuyên tuyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền các cấp; những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, điều hành; góp phần củng cố sự thống nhất về tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời góp phần tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong thực thi công vụ của cán bộ…
Có dịp dự một số cuộc đối thoại của người đứng đầu các cấp với nhân dân, chúng tôi nhận thấy cơ bản những mục đích đề ra đều đạt, nhân dân phấn khởi vì được các đồng chí lãnh đạo trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đồng tình với những chỉ đạo giải quyết các vấn đề mà họ thắc mắc. Mới đây nhất, tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Tỉnh ủy với nhân dân huyện Phú Bình (ngày 12-6), các vấn đề bức xúc và được quan tâm nhất tại địa phương như: Tác động tiêu cực của hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Cầu, các dự án treo, hạ tầng giao thông xuống cấp, hạ tầng tái khu tái định cư chưa hoàn thiện, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, đầu ra cho nông sản... đã được người dân phản ánh, đề nghị tới các đồng chí lãnh đạo.
Chủ trì cuộc đối thoại, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh luôn thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe, ghi chép tất cả các ý kiến của người dân, khuyến khích người dân nêu ý kiến, phản ánh các vấn đề tại địa phương. Xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, ngành, đồng chí đã chất vấn tại chỗ, yêu cầu đại diện các cơ quan đưa ra mốc thời gian giải quyết từng vấn đề mà người dân nêu, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng sát sườn đến cuộc sống của bà con. Cũng tại đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi nhân dân vì một số tồn tại có nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành.
Là một trong số gần 200 người được tham gia cuộc đối thoại này, ông Trần Quang Hải ở xã Kha Sơn (Phú Bình) Nói: Tôi vui vì được trực tiếp đề nghị, bày tỏ ý kiến với đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ý kiến của tôi được lắng nghe, được tôn trọng, giải thích và trả lời thỏa đáng. Tôi mong có nhiều cuộc đối thoại tương tự và quan trọng hơn là những chỉ đạo, kết luận của các đồng chí lãnh đạo phải được thực hiện đúng. Nếu vậy, niềm tin của người dân chúng tôi với các cơ quan Nhà nước sẽ lớn hơn, hạn chế phát sinh những bức xúc không đáng có…
Trước đó, cuối năm 2016, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân huyện Đại Từ. Ngay sau khi có Kết luận tại Hội nghị, UBND tỉnh và Thường trực Huyện ủy Đại Từ đã tích cực vào cuộc chỉ đạo giải quyết các vấn đề người dân kiến nghị, phản ánh, đồng thời đã báo cáo kết quả giải quyết để Ban Dân vận Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Cùng với cấp tỉnh, thời gian qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng tích cực đối thoại trực tiếp với nhân dân. Ở xã vùng cao khó khăn như Sảng Mộc (Võ Nhai) hay những vùng phát triển hơn và có những dự án lớn đang triển khai như xã Hà Thượng (Đại Từ), Tân Quang (Sông Công), người dân cũng đã có dịp được đối thoại trực tiếp với đồng chí lãnh đạo cấp huyện. Theo tổng hợp của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ khi thực hiện Quy chế đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 250 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; 9/9 huyện, thành, thị và gần 70% xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại. Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, các vấn đề mà người dân bức xúc, băn khoăn, phản ánh đã được tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý kịp thời; góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Đồng chí Dương Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Quang (Sông Công) cho biết: Ngay sau kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy tại cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân trong xã đầu năm nay, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố xác minh tất cả các vấn đề người dân phản ánh, kiến nghị, đồng thời thống nhất phương án giải quyết. Đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Từ đó, xã không còn nhận được ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề này nữa…
Có thể nói, hoạt động đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước (Ban Dân vận Tỉnh ủy) cho rằng: Để hoạt động đối thoại trực tiếp đạt hiệu quả cao hơn nữa, người tổ chức đối thoại cần chọn đúng nơi, đúng vấn đề mà dư luận đang quan tâm nhất, chú trọng đối thoại theo chuyên đề, tránh hình thức./