Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp nghỉ hè hằng năm, những sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) lại tạm gác việc học tập để tham gia hoạt động tình nguyện hè tại những bản làng xa xôi, nơi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Năm nay, với khẩu hiệu “Sinh viên tình nguyện chung sức xây dựng nông thôn mới”, đoàn sinh viên tình nguyện của Nhà trường đã để lại nhiều dấu ấn trong chuyến tình nguyện hè tại xã miền núi Bình Yên (Định Hóa).
Chúng tôi có mặt tại xã Bình Yên vào đúng đợt nắng nóng cao điểm đầu tháng 7. Mặc dù, trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C nhưng những sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Khoa học vẫn miệt mài, hăng say làm việc. Trên cánh đồng thôn Thẩm Rộc, đoàn tình nguyện chia thành từng nhóm giúp đỡ người dân thu hoạch lúa, trồng ngô, hái chè, nạo vét kênh mương… Cách đó không xa, một nhóm nam sinh viên tình nguyện đang tiến hành xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt cho các hộ dân trong xóm. Nhìn những gương mặt thư sinh với đôi bàn tay trắng trẻo đã quen với sách bút, giáo trình chẳng ai nghĩ các em sinh viên lại có thể cầm dao xây chắc chắn không khác nào những người thợ xây thực thụ. Càng về trưa, tiết trời càng thêm oi bức nhưng không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương và sôi nổi.
Trò chuyện với chúng tôi, em Lê Văn Trình, sinh viên năm thứ ba, Khoa Hóa Học chia sẻ: Đây là năm thứ hai liên tiếp em tham gia Chiến dịch tình nguyện hè do Đoàn trường tổ chức. Mặc dù công việc khá vất vả nhưng chúng em rất vui vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào công tác xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây. Em Lý Thánh Kiên, sinh viên năm thứ hai, Khoa Luật và Quản lý xã hội cũng hào hứng: Chiến dịch tình nguyện hè không chỉ giúp chúng em phát huy được tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", đem sức trẻ, nhiệt huyết của mình giúp ích cho đồng bào còn khó khăn mà còn là dịp để chúng em trải nghiệm thực tế, tôi luyện bản lĩnh, phát triển các kỹ năng, tích lũy vốn sống phục vụ cho việc học tập và công tác sau này. Chiến dịch tình nguyện sắp kết thúc nhưng tất cả chúng em đều lưu luyến cuộc sống và con người nơi đây, ai cũng hy vọng sẽ được quay lại nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Ngô Ngọc Linh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học cho biết: Đoàn tình nguyện của chúng tôi gồm 48 sinh viên và 12 cán bộ giáo viên đã có mặt ở đây từ hôm 2-7. Xác định rõ mục đích của chuyến tình nguyện lần này là chung sức cùng người dân địa phương xây dụng nông thôn mới nên đoàn đã lên kế hoạch hoạt động chi tiết, cụ thể, tập trung vào việc hỗ trợ người dân địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt như: Giao thông, thủy lợi, môi trường, thu nhập… Sau hơn một tuần cùng ăn ở, sinh hoạt với người dân nơi đây, đoàn tình nguyện đã thực hiện được một số công việc nổi bật như: hỗ trợ người dân xây dựng 3 lò đốt rác thải sinh hoạt đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; lắp đặt tuyến đường thắp sáng làng quê tại xóm Thẩm Rộc với tổng chiều dài 1,2km; tham gia quét dọn, vệ sinh các tuyến đường đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ…; giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách thu hoạch lúa, hái chè, trồng ngô, nạo vét kênh mương… Ngoài ra, đoàn tình nguyện còn triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như: thăm hỏi, tặng quà 7 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn; phối hợp tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi; tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao cùng người dân địa phương; tuyên truyền, vận động bà con thực hiện việc xử lý rác thải đảm bảo môi trường…
Đặc biệt, trong chuyến tình nguyện hè lần này, Đoàn tình nguyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch của Trường Đại học Khoa học tổ chức Hội nghị chuyển giao kỹ thuật trồng nấm sạch cho người dân địa phương. Tại Hội nghị, các hộ dân đã được giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc và thu hái nấm, những ưu điểm và hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nấm sạch. Theo đó, thực hiện mô hình này, người dân nông thôn có thể tận dụng những phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: rơm, cám gạo, mùn cưa... Bên cạnh đó, quy trình trồng nấm rất đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu thấp, giá thành lại ổn định, năng suất cao. Đặc biệt, sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ cho người dân. Sau Hội nghị, đã có hàng chục hộ dân đã đăng ký thực hiện mô hình trồng nấm sạch dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ về giống, kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nấm sạch. Đây hứa hẹn sẽ là mô hình phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả đối với người dân xã Bình Yên trong thời gian tới.
Cảm kích trước tinh thần và tấm lòng nhiệt huyết của các sinh viên tình nguyện, đồng chí Ma Quang Chín, Bí Thư Đảng ủy xã Bình Yên chia sẻ: “Bình Yên là xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu của người dân trong xã chỉ đạt 25 triệu đồngngười/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn gần 22%. Hiện nay, xã mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Chính vì vậy, những phần việc và công trình mà Đoàn tình nguyện đã hỗ trợ địa phương thực hiện là rất có ý nghĩa. Đây sẽ là tiền đề và động lực để địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2020.
Sau hơn 1 tuần diễn ra sôi nổi, chiến dịch tình nguyện hè của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Khoa học đã kết thúc nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân xã Bình Yên (Định Hóa). Những đóng góp của đoàn tình nguyện không chỉ thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với xã hội, với cộng đồng, mà còn góp phần xây dựng tình cảm thắm thiết giữa thế hệ tuổi trẻ thanh niên với nhân dân, càng tô đẹp thêm hình ảnh đoàn viên, thanh niên với tinh thần luôn sẵn sàng xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng xã hội.