T.P Sông Công có sông Cầu và sông Công chảy qua. Mùa mưa đến, địa bàn thường rơi vào tình trạng ngập lụt cục bộ. Để chủ động ứng phó, các đơn vị đã chuẩn bị các giải pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Các cơ quan chuyên môn nhận định, năm 2018 tình hình thời tiết được dự báo có xu thế ngày càng phức tạp về loại hình, tần suất xuất hiện và diễn biến bất thường. Tại T.P Sông Công, 11/11 xã phường đều có thể bị ngập úng cục bộ do mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và việc đi lại của người dân. Đặc biệt, ở các xã: Bình Sơn, Bá Xuyên, Vinh Sơn và phường Lương Sơn sẽ bị ngập sâu nếu nước sông Cầu và sông Công dâng cao, kết hợp xả lũ hồ Núi Cốc.
Nguyên nhân của tình trạng ngập lụt cục bộ trên được xác định là do phía Tây Thành phố có con sông Công bắt nguồn từ hồ Núi Cốc chảy qua. Sông có độ dốc theo địa hình và độ dốc lòng sông tương đối lớn, lòng sông nhỏ nên khi có mưa to, lượng nước tập trung nhanh, kết hợp phía Đông, Đông Bắc có sông Cầu chảy qua địa bàn phường Lương Sơn, do đó hằng năm vào mùa mưa, T.P Sông Công thường xảy ra ngập úng và lụt ở các khu vực thuộc phía Bắc và phía Tây của thành phố.
Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: Để chủ động ứng phó với các tình huống ngập lụt, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật chất gồm áo phao, phao cứu sinh, đèn báo, biển báo, cuốc, xẻng, dây thừng... và huy động 30 người là cán bộ sĩ quan, 400 người là lực lượng dự bị động viên tham gia công tác phòng chống lụt bão. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Quân sự cũng hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và các đơn vị đứng chân trên địa bàn như Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312), Lữ đoàn 382 (Quân khu 1) sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống ngập lụt xảy ra.
Là địa phương có địa hình trũng, thấp, nhiều suối nhỏ và ngầm tràn (hơn 30 ngầm tràn), nếu mưa lớn kéo dài (trên 3 tiếng) kết hợp hồ Núi Cốc xả lũ với mức xả 700m3/giây, nhiều xóm của xã Bình Sơn sẽ bị ngập sâu từ 0,7-1m. Người dân không thể đi sang địa phận xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) và ra trung tâm T.P Sông Công, trong khi đó cầu treo Bình Sơn đã cấm người và phương tiện đi qua. Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng tôi luôn quán triệt, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường tuyên truyền thông tin, hướng dẫn bà con chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai. Khi mưa lớn, các ngầm tràn bị ngập sâu, chúng tôi bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, cắm biển báo tại 2 đầu của ngầm tràn, không cho người và phương tiện đi qua khi nước dâng cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Bên cạnh các phương tiện cứu hộ do Thành phố cấp, chúng tôi cũng huy động thuyền của người dân để tham gia ứng cứu kịp thời.
Không chỉ có xã Bình Sơn, xã Bá Xuyên cũng ở tình trạng tương tự. Đặc biệt, xã Bá Xuyên có Tỉnh lộ 262 đi qua, lượng công nhân, người dân đi làm qua khá đông. Nếu mưa lớn kéo dài và hồ Núi Cốc xả lũ 500m3/giây, Tỉnh lộ 262 sẽ ngập khoảng 0,3m, với chiều dài 200m. Ông Đồng Văn Phong, Chủ tịch UBND xã thông tin: Cùng với phương tiện cứu hộ do thành phố cấp, xã đã chủ động lực lượng 120 người (bao gồm công an viên, dân quân ở xã, xóm), sẵn sàng trực tại hai đầu ngập của Tỉnh lộ 262 cấm không cho người dân đi qua. Trường hợp cần phải qua, xã sẽ huy động thêm xe ô tô tải trong dân.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống ngập lụt xảy ra của các cấp, ngành thì công tác phòng chống lụt bão của thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn như: Sự chuẩn bị về phương tiện trong người dân còn ít; lực lượng tham gia ứng cứu là nam giới phần lớn đi làm tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, bởi vậy khi nước lên nhanh sẽ khó có thể huy động tại chỗ lực lượng này tham gia ứng cứu cùng lực lượng phòng chống lụt bão... Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống lụt bão ở địa phương.
Thống kê của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố cho thấy, 5 năm qua mặc dù trên địa bàn thành phố không chịu sự tàn phá nặng nề do bão, lũ nhưng việc ngập lụt cục bộ ở địa phương đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là việc đi lại của người dân, công nhân đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, khi nước dâng cao, người dân tuyệt đối không đi qua các ngầm tràn, những đoạn đường ngập sâu để đảm bảo an toàn về người và tài sản.