Thêm chính sách hỗ trợ hộ nghèo

10:14, 12/07/2018

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.361 người thuộc hộ nghèo đa chiều. Nhiều người trong các hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ mới được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế của nhóm người này vẫn còn khó khăn.

Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10-5-2017 của Chính phủ và Công văn số 6775/BTC-NSNN ngày 24-5-2017 của Bộ Tài chính quy định: “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%  mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thiều hụt về tiêu chí BHYT; hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT). Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương có thể quyết đinh bố trí thêm ngân sách địa phương để hỗ trợ mức cao hơn.”

Tuy nhiên, dù đã được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT nhưng nhiều người thuộc các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bàn khác (không bị thiếu hụt BHYT) vẫn từ chối tham gia BHYT. Chị Dương Thị Nụ, thuộc diện hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản ở xã Kha Sơn (Phú Bình) bộc bạch: Theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới, gia đình tôi được xếp vào nhóm hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy vậy, tôi chỉ đủ điều kiện mua thẻ BHYT cho hai con đang đi học còn vợ chồng tôi ít đau ốm nên chưa cần BHYT.

Quan điểm của chị Nụ cũng là suy nghĩ chung của nhiều người thuộc các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT). Họ cho rằng bản thân còn khỏe mạnh, không cần đi khám, chữa bệnh nên chưa cần mua thẻ BHYT. Một số gia đình có tư tưởng cố gắng mua thẻ BHYT cho người già hoặc người hay ốm đau, mắc bệnh nặng, còn người khỏe mạnh thì chưa cần đến. Trong khi đó, với chính sách tiếp cận dần việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế như hiện nay, mức viện phí và chi phí điều trị bệnh ngày càng tăng cao, nếu không có thẻ BHYT, việc khám, chữa bệnh sẽ trở thành gánh nặng kinh tế đối với những hộ nghèo vốn đã khó khăn so thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thực tế tìm hiểu của chúng tôi, nếu theo cách đo lường thu nhập trước đây, hộ nghèo thiếu hụt đa chiều về bản chất là hộ cận nghèo và là những hộ khó khăn nhất trong nhóm hộ cận nghèo. Theo quy định hiện hành, đối tượng này được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, trong khi đó, từ năm 2013, đối tượng thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT (gồm 70% kinh phí Trung ương và 30% kinh phí địa phương hỗ trợ).

Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, trong kỳ họp HĐND lần thứ 7, khóa XIII, UBND tỉnh đã trình HĐND phê duyệt Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiểu hụt BHYT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, năm 2018, UBND tỉnh sẽ trích số tiền kết dư từ kinh phí dành cho khám, chữa bệnh chưa dùng hết trong các năm trước để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho 574 người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không thiếu hụt BHYT). Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 125 triệu đồng. Nếu được phê duyệt, sang năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ căn cứ ngân sách địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin: Cần phải hiểu chính sách hỗ trợ này không áp dụng đối với tất cả các nhân khẩu trong các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT). Chính sách chỉ áp dụng với những người thuộc các hộ này, nhưng chưa được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Còn nhân khẩu thuộc các đối tượng như: người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật… sẽ không được hưởng thêm hỗ trợ.

Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020 là tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100% và 98,5% trở lên dân số tham gia BHYT. Bởi thế, việc xây dựng chính sách đảm bảo 100% người nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, tạo sự công bằng, không có khác biệt trong thực hiện mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác với các nhóm đối tượng thuộc diện khó khăn khác là việc nên làm.