Những năm gần đây, do làm tốt công tác phòng, chống bệnh dại nên những thiệt hại do căn bệnh này gây ra đối với người và động vật trên địa bàn tỉnh đã được giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành triệt để những quy định của Nhà nước trong việc nuôi nhốt, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn chó, khiến bệnh dại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, trong 7 tháng năm 2018, có hơn 4.000 người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng. Trong khi đó, chi phí điều trị sau phơi nhiễm đối với bệnh dại dao động từ 600.000 đến hơn 2 triệu đồng, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của vết cắn và cân nặng của bệnh nhân. Có thể thấy, số tiền mà người dân phải bỏ ra cho việc phòng chống loại bệnh này là rất lớn (hàng chục tỷ mỗi năm).
Hiện nay, tuỳ vào mỗi địa phương, chi phí để tiêm phòng cho 1 con chó chỉ khoảng 13.000-25.000 đồng/con (bao gồm giá: vắc xin, bảo hiểm, công tiêm) và sau khi tiêm chúng sẽ có tỷ lệ kháng thể miễn dịch với vi rút dại đạt 80-90%. Do đó, để hạn chế dịch bệnh dại phát sinh và lây lan trên người và động vật, tháng 3 và tháng 9 hằng năm, tỉnh đều chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền và thực hiện tiêm phòng dại trên đàn chó nuôi. Để khuyến khích người dân tham gia, trừ các thành phố, thị xã thì tất cả các huyện đều được tỉnh hỗ trợ kinh phí vắc xin. Trong đó, huyện Định Hoá, Võ Nhai được hỗ trợ 100%; các huyện còn lại được hỗ trợ là 50%. Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã cũng đều có sự hỗ trợ thêm về chi phí vắc xin và công tiêm phòng.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong đợt tiêm vắc xin dại vào tháng 3 năm nay, so với các năm trước, số chó được tiêm phòng cao hơn nhiều so với những năm trước với hơn 139 nghìn trong tổng số 277 nghìn con chó được tiêm, nhưng cũng mới chỉ đạt 50% tổng đàn. Mặc dù, còn đợt tiêm bổ sung vào tháng 9 nhưng số lượng được dự đoán là không cao. Bên cạnh đó, số lượng chó được tiêm cũng không đồng đều giữa các địa phương. Trong đó, các huyện như Định Hoá, Võ Nhai, Phú Bình,… có tỷ lệ tiêm phòng khá thấp, trung bình chỉ đạt từ 30-40%. Một trong những lý do chủ yếu khiến công tác tiêm phòng gặp khó khăn tại một số địa bàn của tỉnh đó chính là nhận thức người dân còn hạn chế, chủ quan vì cho rằng hiện không có ổ dịch dại, đặc biệt là các hộ gia đình sống ở nông thôn, miền núi.
Điển hình như huyện Phú Bình, theo thống kê, đợt tiêm đầu năm nay, toàn huyện chỉ tiêm được 14 nghìn con chó, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Đào Quang Lượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Bình không khỏi trăn trở: Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền về những quy định trong phòng dịch bệnh dại và được hỗ trợ 100% kinh phí vắc xin nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà với vấn đề tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó. Do thời gian gần đây trên địa bàn huyện không có trường hợp tử vong nào do bị chó dại cắn nên người dân càng chủ quan, không chấp hành theo quy định quản lý đàn chó nuôi. Cụ thể, còn tới 80% số chó trên địa bàn huyện không được xích, nhốt mà thả tự do; có những xóm đã được thông báo ngày tiêm phòng và chủ hộ đã đăng ký nhưng nhiều người không nhớ, không bắt chó đi tiêm nên thú y viên phải đến từng nhà tiêm; nhiều gia đình nuôi chó làm thương phẩm hoặc nuôi nhiều chó để trông nhà, khi thú y viên đến tận nhà yêu cầu tiêm thì họ chỉ đăng ký tiêm một vài con.
Chị Nguyễn Thị Lê, xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) cho hay: Hàng năm, tôi đều mang chó đi tiêm vắc xin dại. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình xung quanh vẫn thả rông chó và không thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn chó của họ, khiến tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các thành viên trong gia đình nếu xuất hiện ổ dịch dại. Vì thế, tôi luôn mong muốn mọi người hãy chấp hành nghiêm túc việc tiêm phòng cho đàn chó để bệnh dại không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Đối với những xã vùng sâu, vùng xa, việc phòng, chống dịch bệnh dại còn khó khăn hơn. Đảm nhiệm vai trò là Tổ trưởng Tổ thú y xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, cứ vào đợt tiêm phòng, chị Đỗ Thu Trang lại mất hơn 1 tháng để tới từng hộ gia đình vận động người dân tham gia tiêm phòng bệnh dại. Chị Trang chia sẻ: Với những xã vùng sâu, vùng xa, người dân sống rải rác trên các sườn đồi, núi nên việc tuyên truyền và yêu cầu chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh dại rất gian nan. Bên cạnh đó, do kinh tế gặp khó khăn nên mặc dù đã được chính quyền hỗ trợ vắc xin nhưng người dân vẫn không muốn bỏ ra hơn 10.000 đồng/con để trả tiền công tiêm và bảo hiểm.
Mặc dù theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ đã có đủ chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm vắc xin phòng bệnh dại nhưng hiện nay hầu hết chính quyền địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong xử lý các trường hợp không chấp hành. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ cho biết: Nếu phạt thì có tới 90% số hộ vi phạm vì đa số người dân đều có thói quen thả rông chó, chưa chấp hành triệt để việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi… Vì thế, chúng tôi chỉ có thể quan tâm chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền để người dân dần nâng cao nhận thức trong vấn đề này. Bên cạnh đó, những hộ nào không cho tiêm với lý do chó ốm, chó đẻ hay chó còn bé, chúng tôi yêu cầu ký cam kết chịu trách nhiệm nếu chó mắc bệnh Dại và gây thương tích cho người khác.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Bất cứ ai bị động vật mắc bệnh dại cắn, khi lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Bên cạnh đó, những năm gần đây, số lượng vắc xin phòng dại còn đang trong tình trạng khan hiếm, trong khi nhu cầu sử dụng vẫn khá cao”. Vì thế, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì mỗi người dân, cũng như chính quyền tuyến cơ sở cần nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh dại để đảm bảo an toàn cho chính mình và người xung quanh.