Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là một phần việc luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, người dân đã ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Thái Nguyên có 46 dân tộc, trong đó có 45 dân tộc thiểu số với hơn 302 nghìn người, chiếm 27% dân số của tỉnh gồm các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông… Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được tăng cường đầu tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, quán triệt, tiếp cận nhiều hơn với thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trình độ dân trí được nâng nên. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hồ, Trưởng bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), đồng bào người dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào người dân tộc Mông nói riêng luôn sống chất phác, thật thà. Dù vậy, họ lại nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bởi thế, việc thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân tộc thiểu số đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ riêng trong 7 tháng qua, Ban đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đóng chân trên địa bàn tỉnh thực hiện, đăng tải 30 phóng sự truyền hình, bài phản ánh với các nội dung phóng phú như giữ vững an ninh trật tự ở các bản, làng; hiệu quả của các chính sách dân tộc; đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, Ban đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 28 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật hộ tịch, giao thông đường bộ, căn cước công dân, khiếu nại, tố cáo, an toàn vệ sinh thực phẩm... cho trên 2.000 người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng cao của tỉnh tham gia. Ông Hầu Văn Tĩnh, người dân tộc Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho hay: Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về pháp luật, qua đó có ý thức tuân thủ và chấp hành các quy định của Nhà nước.
Không dừng lại ở đó, Ban còn phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức được 5 lớp bồi dường cán bộ công chức, viên chức về công tác dân tộc cho hơn 500 học viên là cán bộ, công chức phòng Dân tộc các huyện, thị tham gia. Từ đó giúp họ nắm bắt kịp thời các chính sách dân tộc của Nhà nước và tổ chức tuyên truyền tại cơ sở hiệu quả.
Có thể thấy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi, giúp đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên từng bước thay đổi đời sống vật chất và tinh thần thông các chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống; chính sách hỗ trợ muối i-ốt cho người dân ở 124 xã vùng dân tộc miền núi của Thái Nguyên…
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói: Từ các hoạt động tuyên truyền, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã hiểu hơn về ý nghĩa của các chương trình này. Và họ đã nỗ lực vươn lên trong trong các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc… ở địa phương.
Những kết quả đã đạt được chính là nền tảng để tỉnh ta tiếp tục làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Theo đó, việc phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang có và đặc biệt là phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, giúp lực lượng tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số... sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền.