Ở Định Hóa, các tổ hòa giải cơ sở đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn xảy ra ở thôn, xóm, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại và củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình cảm
Gần chục năm là Bí thư Chi bộ xóm Nản Dưới, thị trấn Chợ Chu, cũng là từng ấy thời gian bà Mai Thị Hương làm Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở. Uy tín và sự tận tâm của bà đã góp phần quan trọng vào sự bình yên của xóm. “Nản Dưới có 55 hộ dân, nằm ở vị trí giáp ranh của 3 xã, thị trấn là Chợ Chu, Tân Dương và Phượng Tiến; lại đang triển khai xây dựng khá nhiều công trình giao thông nên đôi khi cũng phát sinh những mâu thuẫn nhất định.” - bà Hương cho biết.
Nói về kinh nghiệm của bản thân, bà Hương chia sẻ: Để hòa giải thành công cần phải am hiểu pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Mình không gương mẫu thì nói chẳng ai nghe. Tuy vậy, không phải chuyện gì cũng đưa pháp luật hay quy định ra là giải quyết được, cần phát huy tình làng nghĩa xóm, khéo léo kết hợp giữa lý và tình. Khi trong xóm có tranh chấp, mâu thuẫn hoặc đơn thư khiếu nại thì các thành viên Tổ hòa giải sẽ nhanh chóng nắm bắt thông tin, bàn bạc, thống nhất cách giải quyết. Bất đắc dĩ lắm mới phải đưa lên cấp trên. Mới đây nhất, khi triển khai giải phóng mặt bằng đường Hồ Chí Minh qua địa bàn, chúng tôi có vướng mắc trường hợp gia đình ông Lưu Đình Đường. Lý do là ông chưa đồng ý với mức hỗ trợ tiền để thuê chỗ tái định cư tạm. Tổ hòa giải đã nhiều lần xuống động viên, phân tích nên gia đình đã đồng thuận vì lợi ích chung.
“Hòa giải không chỉ đơn thuần là giải quyết mâu thuẫn, mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Do vậy, muốn làm tốt thì phải xuất phát từ cái tâm và tinh thần trách nhiệm.” - Đó là tâm sự của ông Ma Thanh Căn, Bí thư Chi bộ và là người uy tín trong cộng đồng ở xóm Sơn Vinh 2, xã Sơn Phú. Ông Căn bảo: Nông thôn bây giờ cũng có khá nhiều chuyện phức tạp. Từ vợ chồng mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình; hàng xóm tranh chấp đất đai, đường đi lối lại; thanh niên gây gổ đánh nhau… Việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tổ hòa giải sẽ kịp thời can thiệp. Từ đầu năm tới nay, Tổ đã hòa giải thành công 2 vụ việc mâu thuẫn gia đình.
Việc làm của bà Hằng, ông Căn cùng các thành viên tổ hòa giải khác trên địa bàn huyện Định Hóa đều xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm, họ làm việc không có kinh phí và hoàn toàn tự nguyện với mục đích gắn kết tình cảm, lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương nhờ làm tốt nội dung này mà hạn chế được đơn thư khiếu nại tố cáo, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền.
Cầu nối đưa pháp luật về cơ sở
Theo thống kê, đến nay, toàn bộ 435 thôn, xóm và tổ dân phố trên địa bàn huyện Định Hóa đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của các tổ hòa giải. Mỗi tổ trung bình có 5-7 thành viên, là người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Bí thư chi bộ, trưởng xóm, chi hội trưởng các đoàn thể, người uy tín trọng cộng đồng dân tộc thiểu số… Các thành viên này được người dân bầu chọn và UBND cấp xã ra quyết định công nhận.
Ông Ma Công Trình, Trưởng Phòng Tư pháp huyện đánh giá: Hòa giải viên là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có kiến thức pháp luật, trách nhiệm với công việc hoà giải; đặc biệt là tiếng nói rất có trọng lượng trong trong cộng đồng dân cư. Do vậy, bên cạnh giải quyết các mâu thuẫn, họ còn có vai trò tích cực trong việc truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biển các văn bản, quy định luật mới tới người dân.
Ông Ma Đức Phan, Trưởng xóm Làng Há, xã Lam Vỹ cho biết: Từ khi tham gia Tổ hòa giải (năm 2013), kiến thức pháp luật của bản thân tôi được nâng lên đáng kể nhờ tham gia các buổi tập huấn và tự tìm hiểu thông qua sách, báo và truyền hình. Từ các buổi sinh hoạt và hòa giải cơ sở, chúng tôi chia sẻ trực tiếp kiến thức đó cho người dân, hàng xóm láng giềng. Nhiều trường hợp vì không hiểu luật mà vi phạm, phát sinh tranh chấp. Khi được tuyên truyền rồi, họ thừa nhận lỗi sai và chủ động khắc phục. Những mâu thuẫn khúc mắc từ đó cũng được hóa giải.
Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Định Hóa tiếp nhận trên 100 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành công chiếm trên 80%. Hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải được nâng lên, kéo theo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đạt nhiều kết quả tích cực, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng; tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Và trong khi có người vẫn thờ ơ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không ít cán bộ hòa giải cơ sở đã và đang năng nổ, nhiệt tình lo chuyện “bao đồng” dù không có một đồng phụ cấp, trở thành nhịp cầu nối cho sự bình yên của thôn, xóm.