Bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

09:53, 09/10/2018

Tan học về, bé Tô Văn Sang, 7 tuổi ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) vứt vội cái cặp vào nhà rồi ra bờ suối chơi. Trò chơi thường ngày của Sang và lũ trẻ đồng trang lứa ở Khuổi Mèo là tắm suối, trèo cây... Chẳng thế mà không ít lần, Sang cùng đám bạn bị ngã trầy da, chảy máu. Như đã quen với việc này, bố mẹ bọn trẻ cũng không nhắc nhở nhiều; hơn nữa, bọn trẻ ở đây không chơi như vậy thì cũng chẳng biết chơi gì vì điều kiện sống ở những nơi vùng núi, vùng cao cảu tỉnh còn nhiều khó khăn...

Anh Phùng Văn Lành, Trưởng xóm Khuổi Mèo bảo: Bọn trẻ ở đây không có sân chơi, chúng chỉ thường chơi đùa ở bờ suối, ven đường hay trên nương. Người lớn bọn mình bắt gặp bọn trẻ chơi đùa thấy nguy hiểm thì cũng nhắc nhở mà, nhưng bận quá nên đành để chúng tự chơi với nhau là chính thôi.

Trái ngược với đám trẻ ở Khuổi Mèo, trẻ em ở thành phố có rất nhiều sân chơi để chúng thỏa sức lựa chọn, nhưng việc học hành lại là áp lực lớn đè nặng lên những tâm hồn tuổi thơ. Thời gian biểu hàng ngày của cô bé Ngô Ngọc Linh, 11 tuổi, ở tổ 14, phường Hoàng Văn Thụ (T.PThái Nguyên) lại “kín bưng”. Mỗi ngày, ngoài giờ đi học chính ở trường, Linh phải còn phải đi học thêm toán, ngoại ngữ, học múa và tập đàn. Cô bé ít chơi với các bạn cùng khu dân phố vì bạn nào cũng “bận rộn” như em. Linh bẽn lẽn nói: Cháu ít khi ra ngoài vì bố mẹ lo cháu gặp tai nạn hay bị người xấu dụ dỗ. Chỉ cuối tuần, cháu mới được bố mẹ cho đi giải trí ở các khu vui chơi hoặc đi mua sắm ở siêu thị.

Câu chuyện của Sang, của Linh chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện về trẻ em trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế cho thấy, dù ở thành phố, nông thôn hay miền núi, không phải tất cả trẻ em đều được bảo vệ, đảm bảo sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và chăm sóc sức khỏe, tinh thần một cách toàn diện. Năm 2017, toàn tỉnh có 203 trẻ bị tai nạn thương tích; 27 trẻ gặp tai nạn đuối nước. 6 tháng đầu năm 2018, con số này lần lượt là 54 và 8 trẻ; có 11 trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Tạo dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em thông qua việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong thực hiện các quyền trẻ em là việc làm cấp thiết. Trong đó, nòng cốt là hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình của tỉnh Thái Nguyên về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến  toàn thể xã hội... Đặc biệt, các nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với gia đình nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo cơ hội và bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 340.000 trẻ em, chiếm khoảng 27% dân số. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là trên 140.000 em, trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội là 2.288 em. Tỉnh ta có Trung tâm Công tác xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện kết nối các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ dành cho trẻ em, trực tiếp can thiệp, trợ giúp các  trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức các diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”; lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi đề nghị cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí với trẻ em bị hở hàm ếch, bệnh tim hoặc khuyết tật hệ vận động… Hiện nay, toàn tỉnh có trên 90% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc hàng năm; trên 90 % xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường phù hợp với trẻ em.