Chi hội Phụ nữ xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) có 56 hội viên, 100% là người dân tộc Dao. Dù ở địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế khó khăn, song những năm qua, Chi hội là một trong những điểm sáng về thu hút hội viên dân tộc thiểu số, tương trợ lẫn nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Năm 2014 trở về trước, cùng với Hạ Lương, xóm Thượng Lương được biết đến là xóm nằm cheo leo bên sườn núi, không đường bê tông, không có điện, không có sóng điện thoại, đất ruộng ít, trình độ dân trí hạn chế…, khiến đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Nên việc tập hợp, thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt tổ chức Hội là việc không đơn giản. Hoạt động Chi hội vì thế cũng đơn điệu, tẻ nhạt, vai trò của tổ chức Hội mờ nhạt…
Nhưng nay thì khác, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, xóm đã có điện lưới Quốc gia, đường bê tông vào gần đến trung tâm xóm, Nhà văn hóa mới trang trang, sạch sẽ, hoạt động Chi hội Phụ nữ cũng được đổi mới.
Để thu hút hội viên, hàng năm, Chi hội đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu hoạt động cụ thể; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức sinh hoạt nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, như Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)…; vận động hội viên tích cực lao động, sáng tạo, hỗ trợ hội viên vốn vay, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; thực hiện tốt các phong trào thi đua do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động gắn với điều kiện kinh tế, nếp sống văn hóa của địa phương; khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ hằng tháng cho chị em…
Nhờ vậy, chị em phụ nữ tham gia Chi hội ngày càng đông, hiện nay, có 65 hội viên viên trên tổng số 75 phụ nữ của xóm (tăng 30 hội viên so với năm 2012). Có 20 lượt hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 660 triệu đồng.
Thay vì trồng sắn, để đất đồi tạp như trước đây, nhiều chị em trong xóm đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng rừng, giống lúa, giống ngô giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Bàn Thị Liêu là một ví dụ, với khoảng 15ha đất rừng, chị đã đầu tư trồng keo. Vụ đầu tiên chị trồng trên 1 vạn cây, thu về trên 120 triệu đồng (hiệu quả gấp 3 lần so với trồng sắn). Hiện gia đình chị đang chăm sóc vườn keo năm thứ 2. Còn chị Bàn Thị Cói, vươn lên thoát nghèo từ buôn bán tạp hóa kết hợp với trồng rừng…
Tỷ lệ chị em tham gia các buổi sinh hoạt đều đạt gần 100%. Qua đây hội viên được đóng góp ý kiến, chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Đồng thời những hoạt động, như: Gây quỹ giúp đỡ hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; giúp đỡ gia đình hội viên có đám hiếu, hỷ hoặc ốm đau, bệnh tật bằng ngày công, củi gạo, tiền, cho vay không lấy lãi; phối hợp với xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng, cấy giống lúa, ngô mới…, cũng là những điểm nhấn thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia.
Từ đầu năm đến nay đã có trên 40 lượt hội viên được giúp đỡ; 43 người được tuyên truyền và đăng ký tham gia thực hiện cuộc vận động “5 không 3 sạch”. Chi hội còn tích cực vận động chị em thu gom, xử lý rác thải, bao bì bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp; phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới…
Nhiều năm liền Chi hội không có hội viên sinh con thứ 3 trở lên, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không có hội viên vi phạm pháp luật. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Chi hội xây dựng được Quỹ tiết kiệm tổng số tiền là gần 190 triệu đồng, dùng để cho phụ nữ nghèo vay vốn không lấy lãi. Chị Hoàng Thị Tỵ, một hội viên phụ nữ cho biết: Tham gia hoạt động Chi hội Phụ nữ, chúng tôi biết nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái, được giao lưu văn nghệ, ôn lại làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Tuy nhiên theo chị Bình, dù chăm chỉ, chịu khó song do địa bàn rộng, đất ruộng ít lại khó khăn nguồn nước vào mùa khô, diện tích rừng nhiều nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, cộng với việc hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nên tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ nghèo vẫn cao (trên 80%). Chi hội mong muốn được sự quan tâm của các cấp, ngành đặc biệt các cấp Hội phụ nữ hơn nữa để Chi hội thực sự trở thành điểm tựa cho hội viên vươn lên, từng buốc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.