Nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái

14:24, 12/10/2018

Ngày 15/10/1973, đứng trước yêu cầu của đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia tăng phát triển sản xuất để chi viện cho tiền tuyến và chăm lo đời sống nhân dân ở hậu phương, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thái nguyên đã ra đời. Trải qua 45 năm thành lập, bằng những hoạt động thiết thực, Hội đã trở thành nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với những mảnh đời bất hạnh…

Sau khi thành lập, tổ chức Hội nhanh chóng được hình thành từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong các cơ quan, trường học, thôn, xóm; quy mô và chất lượng hội viên, tình nguyện viên bước đầu phát triển. Tuy nhiên, lúc đó hoạt động Hội mới dừng lại ở các cuộc vận động quyên góp giúp đỡ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, khắc phục hậu quả do chiến tranh gây ra; hoạt động vận động nguồn lực gặp nhiều khó khăn; các phong trào, các cuộc vận động hầu như chỉ triển khai được ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Xác định rõ vai trò, chức năng của Hội CTĐ đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ.

Từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự trưởng thành và phát triển của Hội CTĐ Việt nam, Hội CTĐ tỉnh Thái Nguyên đã có những bước chuyển biến tích cực về mọi mặt. Hệ thống tổ chức Hội được kiện toàn, phát triển về cả số lượng và chất lượng. Hoạt động Hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần tích cực tuyên truyền các giá trị nhân đạo, giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 83 nghìn hội viên và gần 10 nghìn tình nguyện viên CTĐ; có 230 cán bộ hội chuyên trách từ cấp tỉnh tới Hội cơ sở xã, phường. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, các cấp Hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân đạo tại địa phương. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, sáng tạo. Các phong trào, cuộc vận động do Hội phát động đã thu hút cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia.

        Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trợ giúp, cứu trợ kịp thời cho trên 196 nghìn lượt người nghèo, người yếu thế, trị giá trên 107 tỷ đồng (tăng trên 320% so với 5 năm trước) điển hình là: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” hỗ trợ gần 100 nghìn lượt người có hoàn cảnh khó khăn; gắn địa chỉ nhân đạo cho 2.500 người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; sửa và làm mới 686 nhà nhân đạo; trao tặng gần 300 con bò cho các đối tượng khó khăn; tặng 450 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật và hỗ trợ lắp chi giả cho hơn 100 đối tượng…

Trong 5 năm, Hội đã phối hợp tổ chức hơn 250 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 77 nghìn lượt người duy trì và phát triển mô hình “Bếp ăn tình thương” hỗ trợ 89.201 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Duy trì  48 điểm, trạm sơ cấp cứu cộng đồng, 2 câu lạc bộ thầy thuốc tình nguyện, 17 đội xe ôm an toàn CTĐ, 9 đội cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng tham gia cứu trợ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, thu hút trên 1.500 tình nguyện viên tham gia. Hội đã vận động và tiếp nhận được gần 90 nghìn đơn vị máu (tăng trên 223% so với thời kỳ 5 năm trước). Riêng năm 2017, vận động và tiếp nhận được trên 27 nghìn đơn vị máu, (đạt 155,8% kế hoạch trung ương giao).

Với những kết quả trên, Hội đã góp phần đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Hội CTĐ tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự đón nhận  Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 22/2/2011của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác của Hội CTĐ tỉnh trong tình hình mới”; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo  trong tình hình mới phù hợp với địa phương, trong đó tập trung xây dựng tổ chức Hội tinh gọn, hiệu quả, củng cố và phát triển tổ chức Hội ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động nhân đạo; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả; tập trung thực hiện tốt các hoạt động, các phong trào, lĩnh vực đặc thù, thế mạnh của Hội…

Tiếp nối thành quả đạt được trong 45 năm qua, Hội CTĐ tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng Hội từng bước phát triển vững mạnh, xứng đáng là tổ chức nòng cốt trong công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ của tỉnh, góp phần chung tay thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển giầu đẹp và văn minh.