Tăng tuổi nghỉ hưu: “Không phải cứ bằng nhau mới là bình đẳng”

09:13, 20/10/2018

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đã chính thức đưa ra việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62. Tuy nhiên, vẫn có hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để lấy ý kiến.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn “Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ Luật Lao động” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Hai lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Theo dự thảo Bộ Luật Lao động mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện, tuổi nghỉ hưu của người lao động có hai phương án. Phương án 1 là từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án này, đến năm 2029 lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62, đến năm 2036 lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60.

 Phương án 2 là kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2025 lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62 và đến năm 2031 lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60.
Đối với người bị suy giảm khả năng lao động, hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có thẻ về hưu sớm không quá 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn cao có thể về hưu muộn hơn nhưng không quá 5 năm. 
Lý giải việc xây dựng ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nếu một lúc tăng tuổi nghỉ hưu nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, các quy định pháp luật và việc chi trả lương hưu. Hai phương án đặt ra để lấy ý kiến toàn dân, lựa chọn phương án hợp lý. 

 “Hiện nay, chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, do đó chúng tôi muốn giảm bớt sự chênh lệch này. Tuổi nghỉ hưu của nam tăng từ 60 lên 62 thì lộ trình tăng sẽ chậm hơn, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 lên 60 cần nhiều thời gian nên lộ trình tăng sẽ nhanh hơn. Do đó chúng tôi nghiêng về lựa chọn tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 có sự khác nhau giữa nam và nữ,” ông Hà Đình Bốnnói.

 Bằng nhau phải bình đẳng?

Trước thắc mắc về việc tại sao không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau mà vẫn có khoảng cách, ông Hà Đình Bốn cho rằng quy định cách biệt về tuổi nghỉ hưu có từ những năm 1960 với lý do phụ nữ phải mang thai, nuôi con nhỏ, chăm sóc gia đình… nên pháp luật ưu tiên phụ nữ về hưu sớm.

“Nhưng hướng tiếp cận ngày hôm nay đã khác, chúng ta đang từng bước có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bằng nhau giữa nam và nữ, có thể sau khi điều chỉnh tăng lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi thì 10 năm sai tiếp tục tăng tuổi cả hai lên 63, rồi lên 65. Khi đất nước phát triển tốt, thể chất con người tốt hơn thì có thể đáp ứng việc tăng tuổi nghỉ hưu ngang bằng,” ông Hà Đình Bốn cho hay.

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Có nhiều quan điểm về bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu, gốc của chúng ta là nữ giới được ưu tiên về trước 5 năm do phụ nữ có thiên chức gia đình. Giờ đây, xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60, nam 62 cũng chưa chắc đã là bình đẳng. 

 “Có thể phải bằng nhau mới là bình đẳng có thể thấp hơn cũng là bình đẳng, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tâm lý, sức khỏe con người, sự phát triển,nhận thức của xã hội,”

 Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là chúng ta tạo cơ hội cho phụ nữ có quyền lựa chọn, đây là điều họ mong muốn. Chúng ta có thể quy định nam nữ về hưu cùng tuổi, nhưng phụ nữ có quyền được nghỉ sớm 5 năm hay 2 năm.”

 Theo ông Bùi Sỹ Lợi, quá trình xây dựng luật phải lắng nghe ý kiến của tất cả người lao động và nghiên cứu kỹ theo giới, theo nhóm đối tượng. Nếu lấy ý kiến người lao động thì đa số sẽ phản đối, không ai muốn làm việc đến 55 chứ chưa nói đến 60. Khi lấy ý kiến phải công bằng, tính toán cụ thể, hướng tới mục tiêu ngành nghề làm việc tốt, đảm bảo sức khỏe có thể kéo dài thời gian làm việc thêm nhưng những ngành nghề lĩnh vực điều kiện lao động không tốt, mất an toàn thì đảm bảo người lao động về hưu sớm./.