Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%; đến nay, kết quả đạt được là 90,2%. Vậy, Thái Nguyên có đạt được mục tiêu đã đề ra theo? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT).
P.V: Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt cho người dân nông thôn như thế nào?
Ông La Hồng Chung: Thái Nguyên là một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về số công trình cấp nước và tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo thống kê, giá trị đầu tư cho hơn 200 công trình cấp nước sinh hoạt (trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2017) đang hoạt động ở các vùng nông thôn của tỉnh lên đến trên 340 tỷ đồng. Những công trình này đi vào hoạt động đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số vùng khô hạn do địa hình và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Đến nay, tỉnh ta đã có trên 730 nghìn người dân nông thôn ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tương ứng tỷ lệ 90,2% dân số nông thôn.
UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp, trực tiếp là Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới và Chương trình Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
P.V: Qua giám sát của các cấp, ngành cho thấy, bên cạnh những công trình nước sạch hoạt động tốt, còn khá nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng và chưa phát huy hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông La Hồng Chung: Đây là thực tế ở khá nhiều địa phương trong tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cung cấp nước liên tục, cũng như chất lượng nước cho người dân nông thôn. Các công trình cấp nước tập trung do địa phương quản lý hầu hết quy mô nhỏ, phục vụ từ 30-150 gia đình. Một số chưa phát huy hiệu quả có nguyên nhân chính là do công tác tổ chức quản lý, vận hành khai thác còn thiếu hợp lý do cán bộ quản lý còn yếu về trình độ kỹ thuật và thiếu kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân một số công trình có chất lượng chưa đảm bảo, việc khảo sát nguồn cung cấp nước chưa khoa học.
P.V: Vậy, giải pháp để khắc phục những hạn chế nêu trên là gì thưa ông?
Ông La Hồng Chung: Để khắc phục những hạn chế, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước và quyết định phê duyệt phân cấp quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ngoài ra, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Điều hành của tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá và kiện toàn lại công tác quản lý của từng công trình, chủ động bố trí kinh phí để sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Đồng thời, triển khai thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn theo định hướng của Chính phủ.
P.V: Theo ông, tỉnh ta có đạt được tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh như nghị quyết đề ra?
Ông La Hồng Chung: Thái Nguyên là 1 trong 21 tỉnh của cả nước được tham gia vào Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đây là nguồn lực quan trọng thực hiện kế hoạch về cấp nước sinh hoạt nông thôn, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chúng ta sẽ hoàn thành 12.500 đấu nối cấp nước cho hộ gia đình.
Ngoài ra, theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới sẽ cấp nước cho 690 hộ. Tổng cộng sẽ có 49.700 người dân được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo 2 chương trình này, tương đương 6% số dân nông thôn. Ngoài ra, bằng nguồn lực hỗ trợ khác cho cấp nước phân tán và hộ gia đình cũng sẽ góp phần quan trọng cho thực hiện mục tiêu nghị quyết. Tôi khẳng định Thái Nguyên sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 95% người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
P.V: Xin cảm ơn ông!