Ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao

11:57, 17/10/2018

Tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động năm 2018, đã có 3 ý tưởng của các cá nhân và tập thể được Ban Giám khảo đánh giá cao. Đây là những ý tưởng có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Xây dựng hợp tác xã theo hướng nông trại sinh thái (giải Nhất)

 Chị Nguyễn Thị Mai  xóm Trung, xã Yên Đổ (Phú Lương): Xây dựng hợp tác xã theo hướng nông trại sinh thái với mục tiêu: Trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, chăn nuôi cá, trồng và chế biến chè; dự kiến trồng các loại hoa theo mùa như: Tam giác mạch, Hướng dương, hoa cải vàng, hoa bướm,… phục vụ khách tham quan, du lịch.

Hợp tác xã khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 120 lao động tại địa phương, trong đó chủ yếu là lao động nữ, các hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Việc nâng cao thu nhập cho phụ nữ, sẽ giúp họ có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò trong xã hội của phụ nữ. 

Sản xuất rau theo phương pháp thủy canh (giải Nhì) 

Chị Nguyễn Thu Huyền, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên): Việc trồng rau thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng và các giá thể khác không phải là đất. Rau thủy canh chủ yếu được trồng trong hệ thống nhà lưới nên tránh được các tác nhân gây ra sâu bệnh như côn trùng, sâu bọ, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản xuất theo phương thức thủy canh có những lợi thế: Không phải làm đất, không có cỏ dại. Rau thủy canh có thể trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới, không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại. Năng suất cao hơn từ 25% đến 50% so với rau trồng bình thường. Phụ nữ cao tuổi, người già yếu, trẻ em có thể tham gia.

Chuỗi sản xuất, tiêu thụ đỗ tương an toàn theo phương pháp hữu cơ (giải Ba)

Chị Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề 20/10 (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh): Nhằm nâng cao thu nhập cho phụ nữ nghèo, hạn chế sản phẩm biến đổi GEN trong chế biến thực phẩm phục vụ con người; đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe và được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu lựa chọn giống, tổ chức sản xuất đến việc chế biến các sản phẩm từ đậu tương: Sữa đậu, đậu phụ và xây dựng các cửa hàng, điểm bán hàng giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Mô hình “Chuỗi sản xuất, tiêu thụ đỗ tương an toàn theo phương pháp hữu cơ” được hình thành với các mắt xích quan trọng: nhóm liên kết sản xuất đậu tương an toàn theo phương pháp hữu cơ tại xã Yên Trạch, cơ sở chế biến đậu phụ an toàn và Hợp tác xã Thái An Gia - Cửa hàng thực phẩm an toàn Thái An Gia.

 Hiện mô hình đã được triển khai trong thực tiễn sản xuất, cơ sở chế biến, hợp tác xã, cửa hàng đã đi vào hoạt động ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.