Trong chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), các khu vực kinh doanh sản phẩm động vật, thủy hải sản tươi sống, rau củ, quả, dịch vụ ăn uống và thực phẩm khác… phải được bố trí riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm chéo, được ngăn cách bởi đường đi có chiều rộng tối thiểu 1,2 m.
Nhằm góp phần bảo đảm ATTP đối với người dân cũng như du khách, UBND Đà Nẵng đang triển khai xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP. Theo đó, các chợ phải tuân thủ theo Bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP của Thành phố đưa ra.
Trong chợ, các khu vực kinh doanh sản phẩm động vật, thủy hải sản tươi sống, rau củ, quả, dịch vụ ăn uống và thực phẩm khác… phải được bố trí riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm chéo, được ngăn cách bởi đường đi có chiều rộng tối thiểu 1,2 m. Tại các khu vực kinh doanh thực phẩm có biển hiệu thông báo.
Riêng khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống không được bố trí liền kề với khu vực kinh doanh sản phẩm động vật và thủy hải sản tươi sống. Khu vực kinh doanh phi thực phẩm (quần áo, hàng gia dụng...) được bố trí tách biệt với các khu vực kinh doanh thực phẩm.
Nền chợ tại khu vực buôn bán thực phẩm thoát nước tốt, dễ làm vệ sinh. Trong chợ phải có hệ thống cấp nước đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ Y tế. Có hệ thống cấp, thoát nước đến từng khu vực kinh doanh thịt, thủy hải sản tươi sống, dịch vụ ăn uống và phải đáp ứng tối thiểu 10 hộ kinh doanh/hệ thống. Hệ thống thoát nước có đầy đủ hố ga để thường xuyên làm vệ sinh, thông tắc, trang bị lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi.
Các chợ trong nội thành không được buôn bán gia cầm sống. Tất cả các chợ tại Đà Nẵng đều không được giết mổ gia cầm.
Đối với các chợ vùng nông thôn và vùng ngoại thành có mật độ dân cư không đông đúc, nếu có nhu cầu buôn bán gia cầm sống thì phải đáp ứng các điều kiện sau: Khu buôn bán gia cầm sống phải được bố trí thành khu riêng biệt, cách khu buôn bán thực phẩm khác tối thiểu 5 m; nền nhà không đọng nước, thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, thu gom, xử lý nước thải, chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Việc tổ chức quản lý chợ phải có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền; có cán bộ chuyên trách quản lý ATTP tại chợ và phải có giấy xác nhận kiến thức về ATTP do phòng kinh tế/ kinh tế - hạ tầng quận, huyện hoặc Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng cấp. Việc quản lý chợ phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo đảm ATTP và có báo cáo, lưu trữ hồ sơ về kết quả kiểm ATTP tại chợ…
Các địa phương muốn xây dựng thành công chợ bảo đảm ATTP thì phải đạt một số tiêu chí như: Xây dựng chợ mô hình bảo đảm đủ điều kiện ATTP; tiêu chí đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả, dịch vụ ăn uống và kinh doanh thực phẩm khác.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 70 chợ. Trong đó, có 4 chợ có quy mô lớn là chợ Đống Đa, Chợ Hàn, Chợ Cồn và Chợ đầu mối Hòa Cường.