Cha mẹ cần nắm được những dấu hiệu này để có thể nhận biết con đang gặp nguy hiểm và kịp thời giúp con thoát khỏi yêu râu xanh, tránh bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, thậm chí sang chấn tâm lý suốt đời.
8 dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục
- Trẻ có những biểu hiện như sợ hãi, hoảng sợ khi phải tới nơi trẻ bị lạm dụng hoặc môi trường giống như vậy.
- Trẻ bị ác mộng, mất ngủ, đang ngủ giật mình khóc thét lên, bị tiểu dầm hay són phân trong khi trước đó không bị như vậy.
- Trẻ tỏ ra cáu gắt quá mức, kết quả học tập giảm sút.
- Trẻ sống thu mình lại, buồn, giận dữ vô cớ, đánh nhau, muốn bỏ nhà đi do quá đau khổ, muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại, có hành vi lộn xộn, hoặc bắt đầu hút thuốc, uống bia, uống rượu…
- Rối loạn ăn uống: Ăn uống giảm sút, không muốn ăn, nôn mửa hoăc ăn uống vô độ.
- Trẻ vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục.
- Trẻ bị tổn thương âm hộ, chảy máu, đau đớn, nhiễm trùng hoặc có thể bị sang chấn vùng trực tràng.
- Trẻ bị viêm nhiễm những bệnh lây qua đường sinh dục như giang mai, lậu, HIV.
Dấu hiệu nhận biết người trưởng thành có quan hệ với trẻ với mục đích tình dục
Tình trạng kinh tế của gia đình thường không có ảnh hưởng nhiều đến nguy cơ trẻ bị lạm dụng tình dục. Gia đình nghèo hay khá giả thì trẻ đều có nguy cơ bị lạm dụng như nhau nếu không có sự quan tâm, giám sát của cha mẹ.
Đáng chú ý, thủ phạm xâm hại trẻ thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%. Trong số này, những người bị mắc chứng loạn dục với trẻ em chỉ chiếm thiểu số.
Do đó, nếu phát hiện 4 dấu hiệu sau, chứng tỏ người lớn có ý đồ xấu với trẻ:
- Cố gắng thực hiện các động chạm với đứa trẻ như hôn ôm hay vật lộn ngay cả khi trẻ không muốn.
- Khăng khăng được ở riêng với trẻ, không muốn bị làm phiền.
- Mua cho trẻ những món quà đắt đỏ hoặc cho chúng tiền mà không có lý do gì.
- Thiên vị một đứa trẻ cụ thể, làm chúng cảm thấy “đặc biệt” hơn so với những trẻ khác.
Những điều cha mẹ có thể làm để ngăn ngừa tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em
- Cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, tương tác với trẻ
- Bữa tối gia đình rất quan trọng
- Cùng trẻ làm việc nhà
- Cùng chơi với trẻ
- Quan tâm đến trẻ: Nụ cười và những cái ôm từ cha mẹ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương; đọc sách, truyện cho trẻ; khen ngợi khi trẻ làm việc tốt.
- Theo dõi sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ: Dạy trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính; học cách trò chuyện với trẻ về những vấn đề tế nhị, thầm kín; giúp trẻ mở lòng và chia sẻ băn khoăn, cảm xúc…
- Cha mẹ phải trở thành tấm gương cho trẻ noi theo: Điều chỉnh lại hành động, lời nói của mình hàng ngày; tự đánh giá thói quen, hành vi của mình có ảnh hưởng đến trẻ; là người đáng tin cậy, không thất hứa với trẻ; nhận lỗi khi làm sai; có hình thức hợp lý khiển trách khi trẻ làm điều chưa đúng.