Những năm gần đây, nhờ giao thông thuận tiện, hệ thống phân phối các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ngày càng mở rộng ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, mẫu mã và chất lượng các sản phẩm được sản xuất trong nước đã và đang từng bước được cải thiện. Với nhiều người dân ở các xã vùng cao của huyện Võ Nhai, lựa chọn sử dụng hàng Việt đang là ưu tiên hàng đầu.
Chợ Tràng Xá là một trong những chợ có quy mô và diện tích khá lớn, khoảng trên 6.000m2, với 180 hộ kinh doanh, là nơi giao thương hàng hóa của người dân 5 xã phía Nam huyện Võ Nhai. Mặc dù chỉ là họp chợ phiên nhưng hầu hết các mặt hàng thiết thực phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân đều có bán tại chợ.
Điều đáng mừng là hầu hết các loại mặt hàng được bày bán tại đây đều là sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với nhiều chủng loại và mẫu mã khá phong phú. Đang ngồi lựa chọn rất kỹ đồ nhựa đựng thức ăn dùng trong tủ lạnh, chị Lê Thị Thắm, ở xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, cho hay: Đối với tôi, lựa chọn hàng có tem, nhãn mác rõ ràng, do doanh nghiệp, nhà máy trong nước sản xuất luôn là ưu tiên số 1, bởi giá cả hợp lý, chất lượng, mẫu mã ngày càng được nâng lên...
Tìm hiểu thực tế tại các cửa hàng, chợ nông thôn ở các xã vùng cao: Dân Tiến, Bình Long, Cúc Đường, Thượng Nung, chúng tôi nhận thấy lượng hàng hóa được bày bán cũng rất phong phú, đa dạng, trong đó hàng Việt chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một tiểu thương bán hàng ở chợ Thượng Nung cho biết: Tôi bán hàng ở chợ Thượng Nung đã gần 20 năm nay. Vài năm trở lại đây, bà con thường tìm mua các sản phẩm do các công ty, doanh nghiệp sản xuất, bởi mẫu mã ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng tốt mà giá cả lại vừa túi tiền. Chính vì lẽ đó, hàng hóa nhập về để bán ở quầy hàng của tôi chủ yếu là hàng Việt, chiếm đến 80%.
Theo thống kê, huyện Võ Nhai hiện có 11 chợ và khoảng gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Mạng lưới các đại lý, cửa hàng tập trung chủ yếu tại 4 xã, thị trấn dọc trục Quốc lộ 1B, gồm: La Hiên, Lâu Thương, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả, các xã dọc đường tỉnh 265 (Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long) và trung tâm các xã, cụm xã. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hàng hóa phục vụ được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập về khá đa dạng, phong phú. Giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, chủ yếu là hàng do các nhà máy, cơ sở trong nước sản xuất.
Bà Lương Thị Nguyên, một tiểu thương bán ở các chợ phiên: La Hiên, Cúc Đường, Thượng Nung cho biết: Có lẽ do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên trước kia, người dân ở các xã này thường chỉ quan tâm đến giá cả, chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mấy năm trở lại đây, thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và việc tổ chức các phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã cơ bản có tác động, làm thay đổi thói quen mưa sắm của người dân vùng cao.
Những năm qua, huyện Võ Nhai đã tích cực phối hợp với ban, ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam". Từ năm 2015 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức thành công các "Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn" tại các xã: Bình Long, Nghinh Tường, Thượng Nung và các hội chợ thương mại diễn ra hằng năm. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Võ Nhai, những chương trình này đã giúp cho người dân các xã vùng cao được tiếp cận các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước quảng bá, giới thiệu chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, để từng bước khẳng định và tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Có thể nói, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế ở thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, là minh chứng khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như ở khâu phân phối sản phẩm.