Không chỉ biết vun vén chi tiêu, chăm lo xây dựng tổ ấm gia đình, mà phụ nữ xã Ký Phú (Đại Từ) còn tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần vào xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương.
Chị Đinh Thị Thìn là một trong những thành viên tiêu biểu của Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ làm kinh tế giỏi của xóm Đặn 1. Nhà chị có gần 3 mẫu ruộng, trước đây chỉ quanh quẩn với cây lúa hoặc hoa màu… khiến kinh tế gia đình ở mức đủ ăn chứ không dư giả.
Vợ chồng chị luôn trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để đồng đất của mình mang lại hiệu quả cao. Trong một chuyến đi Hòa Bình, thấy cây mía tím được trồng nhiều và mang lại lợi nhuận cho người dân ở đây, vợ chồng chị đã mua giống về trồng thử. Nhờ ham học hỏi cũng như cần cù, chịu khó, sau vài năm cây mía đã “bén duyên” với mảnh đất này. Bình quân mỗi sào mía cho thu từ 10 - 15 triệu đồng (trừ chi phí lãi khoảng 3 triệu đồng/sào), với 2 mẫu mía, mỗi năm gia đình chị thu từ 120 - 180 triệu đồng.
Nhờ cây mía, kinh tế gia đình chị khấm khá lên nhiều, mua được 2 chiếc xe ô tô tải, máy cày, xây nhà cao tầng và nhiều vật dụng khác… Chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ các chị em trong xóm vươn lên thoát nghèo.
Thành lập từ năm 2015, hiện CLB Phụ nữ làm kinh tế giỏi xóm Đặn 1 thu hút 20 thành viên tham gia với hướng phát triển chủ đạo là trồng cây mía tím. Chị Nguyễn Thị Yên, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: CLB có nhiệm vụ duy trì các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế; đứng ra tín chấp giúp chị em vay vốn ngân hàng, gây quỹ tiết kiệm cho hội viên nghèo vay vốn; phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên; các hội viên giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động, con giống, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế… Hầu hết, diện tích lúa kém hiệu quả của chị em, nay đã chuyển sang trồng mía tím và rau các loại mang lại thu nhập cao.
Sau 3 năm hoạt động, CLB đã xây dựng được chân quỹ là 180 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu cho chị em vay vốn quay vòng (không lấy lãi). Nhiều hội viên được CLB giúp đỡ, cho vay vốn phát triển kinh tế như chị Nguyễn Thị Lân, chị Ngô Thị Ngọc, mỗi người được vay 4 triệu đồng. Kinh tế gia đình các hội viên ngày một khởi sắc, không có hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài gia đình chị Thìn, ở CLB còn có các chị Nguyễn Thị Thủy, chị Trần Thị Hạnh… là những phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình…
CLB Phụ nữ làm kinh tế giỏi xóm Đặn 1 là một trong 3 mô hình của Hội LHPN xã Ký Phú trong thực hiện nghị quyết của Hội LHPN tỉnh về Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tăng giàu, giảm nghèo. Hiện nay, Hội có 1.249 hội viên, sinh hoạt 10 chi hội.
Chị Nguyễn Thị Nội, Chủ tịch Hội LHPN xã Ký Phú cho biết: Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau tăng giàu, giảm nghèo luôn được Hội đặc biệt chú trọng. Hội đã phát động phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi; giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ tới các chi hội, hội viên. Bám sát vào chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã; vận động chị em hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích. Hội hỗ trợ hội viên vay vốn thông qua nguồn vốn tiết kiệm tại chỗ ở các chi tổ; vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT… từ đó tạo điều kiện cho chị em phát triển sản xuất, chăn nuôi hoặc mua sắm vật dụng gia đình, giúp con cái học hành…
Hội thành lập 2 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ làm kinh tế giỏi ở xóm Đặn 1 và xóm Đặn 3 với khoảng 40 thành viên; 1 mô hình trồng chè an toàn của phụ nữ xóm Duyên có 16 thành viên. Đến nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tiêu biểu, như: Mô hình chè an toàn của chị Nguyễn Thị Hương, xóm Duyên thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của chị Nguyễn Thị Tịnh, xóm Đặn 2 thu nhập gần 200 triệu đồng/năm…
Ngoài ra, Hội vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp cho hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Mỗi năm, Hội đăng ký giúp đỡ từ 2 - 4 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Năm 2018, các chi hội giúp nhau cho vay không lấy lãi bằng 15 chỉ vàng, 207 triệu đồng và vật liệu xây dựng, cây, con giống, công lao động quy tiền là hơn 360 triệu đồng.
Theo ông Dương Văn Hanh, Bí thư Đảng ủy xã Ký Phú, riêng phụ nữ xã đang duy trì 15 mô hình, câu lạc bộ về cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển kinh tế. Đó là những việc làm thiết thực nhất mà chị em góp sức xây dựng xã Ký Phú ngày càng giàu đẹp.