-Nếu thần tiên là có thật, “họ” cho bà một điều ước, bà sẽ ước điều gì? -Ước có một đêm ngủ ngon vì không phải lo nhà đổ.
Tôi đã hỏi như thế với những người nghèo tham gia Chương trình “Thắp sáng ước mơ” (Chương trình) do Ủy ban MTTQ tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức. Tất cả những người được hỏi đều có chung câu trả lời: Chỉ mong mình có một ngôi nhà đủ chắn nắng, che mưa. Để mỗi đêm trời trở gió, mọi người trong nhà không phải nháo nhác chạy sang nhà người thân trú nhờ.
Thoạt đầu, tôi ngỡ các hộ tham gia Chương trình nói như thế để “thiên hạ” rủ lòng từ bi, độ lượng khoan dung mở hầu bao ủng hộ giúp đỡ. Nhưng khi đến thực tế mới thấy được nỗi éo le, dù mỗi người một cảnh, nhưng tất cả họ có chung một nỗi niềm cơ khổ là nghèo, lo ăn từng bữa và đang ở trong ngôi nhà tạm bợ, nát mục. Bởi thế họ luôn mơ ước có mái nhà chắc chắn để ở. Nhiều người bảo đó là ước mơ của “lọ lem”.
2 năm trước, về xã Tân Linh (Đại Từ), tôi đã lội ngược dòng khe đầy nước lạnh, mất gần 60 phút mới gặp được ông La Văn Dưỡng, xóm 2. Ông Dưỡng ở cùng người con gái bị thiểu năng trí tuệ trong ngôi nhà vách đất trực đổ. Tài sản trong nhà có giá trị nhất là cái nồi nhôm bẹp góc, một chum sành không có gạo. Hằng ngày, bố con ông lên rừng lấy măng, hoặc xuống suối bắt ốc, cua mang bán lấy tiền đổi gạo… Bữa đói, bữa no, sắc mặt luôn thất thần vì mặc cảm. Biết được hoàn cảnh này, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ tiền làm lại nhà ở cho bố con ông Dưỡng.
Lần trở lại này, mừng vì bố con ông Dưỡng đã có nhà ở. Bố con ông Dưỡng đã có giấc ngủ yên vì không sợ nhà bị đổ, đó cũng là một hạnh phúc.
Nhờ tham gia Chương trình, gia đình tôi đã có một ngôi nhà để ở… Ông Lại Bình Phượng, tổ dân phố Thanh Xuân 2, phường Phố Cò (T.P Sông Công) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách kể lại việc nhà mình được nhận 50 triệu đồng hỗ trợ làm nhà ở. Điều ông Phượng làm nhiều người xúc động là bản thân bị bệnh ung thư, khi nhận được số tiền hỗ trợ từ Chương trình, vợ con giục ông đi chữa bệnh. Nhưng ông bảo: Tôi sẽ cố gắng chịu đau đớn đến giây phút cuối của cuộc đời, để dành số tiền ấy làm nhà cho vợ con ở.
Cùng ở T.P Sông Công, bà Nguyễn Thị Loan, xóm Xuân Đãng 2, xã Bình Sơn cho biết: Gia đình tôi nghèo vì bản thân quanh năm đau ốm, kinh tế rất khó khăn, nên nhờ có số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ từ Chương trình, gia đình tôi mới hết cảnh lội bùn trong nhà mỗi khi trời đổ mưa.
Gia đình bà Loan đã chuyển vào ở trong ngôi nhà mới từ gần 1 năm nay. Kinh tế chưa hết khó khăn, nhưng chí ít là được ngủ ngon giấc sau một ngày lao động mệt nhọc. Bà Loan trải lòng: Chương trình đã cho gia đình tôi phép nhiệm màu là có một ngôi nhà ở mới… Còn tôi tin, phép nhiệm màu từ Chương trình sẽ giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Chương trình được tổ chức với mục đích huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Qua đó thắp sáng lên niềm tin ở mỗi người trong cuộc sống.
Ngay bên lề một sân chơi của Chương trình, ông Vũ Văn Vinh, xóm Cỏ Bánh, xã Thanh Định (Định Hoá) đi như bò dưới đất. Ông Vinh bị teo 2 chân, việc đi lại rất khó khăn, nên kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn. Ông Vinh chia sẻ: Dù biết Chương trình sẽ hỗ trợ cho mình, nhưng tôi tham gia chơi hết sức. Vì tôi biết bà con đến dự với Chương trình đều mong tôi vượt được lên hoàn cảnh khó khăn. Còn ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết: Đã 8 năm nay Chương trình về với người nghèo. Đồng hành với Chương trình là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và mọi người trong cộng đồng xã hội. Chương trinh ngoài ý nghĩa hỗ trợ cho người nghèo tiền làm nhà, còn là cách tạo cho người nghèo một sân chơi, khuyến khích họ vượt lên mặc cảm, tự ti thông qua các trò chơi thể hiện được sự khéo léo, nhanh trí, tươi vui gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Sau 8 năm thực hiện Chương trình, trên địa bàn của tỉnh đã có rất nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở, trung bình 1 hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng (có một số hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng). Nhiều người cho rằng: Phép màu nhiệm của Chương trình là tạo sự gắn kết, khơi dậy tình yêu thương, chia sẻ, phát huy được truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách”, hoặc “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Phép màu nhiệm là khi hộ nghèo nhận được số tiền hỗ trợ này, sẽ như chất xúc tác trong một phản ứng hoá học, kích thích lòng tự trọng của anh em, dòng họ tham gia ủng hộ, giúp đỡ.
Như hoàn cảnh của bà Nguyễn thị Bé, xóm Đồng Vạn, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên). Bà Bé nghèo do đơn thân, tuổi cao, thường xuyên bị đau ốm. Hay như bà Triệu Thị Hoa, xóm Hoan, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), nghèo do chồng bị thiểu năng trí tuệ, bản thân thường xuyên đau ốm, con nhỏ, cả nhà chỉ có 2 sào ruộng nên phải đi làm thuê kiếm sống. Rồi cảnh gia đình ông Dương Văn Tư, xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), nghèo do thiếu đất sản xuất, do bệnh tật. Nhờ Chương trình hỗ trợ, bà con chòm xóm, anh em họ mạc giúp đỡ thêm mới có ngôi nhà ở chắc chắn.
Bà Hoa kể: Nhà cũ của tôi xập xệ lắm, nằm trong nhà có thể nhìn thấy mây bay trên trời. Còn ông Tư kể: Ở nhà cũ, nhiều đêm mê ngủ, giật mình vùng dậy gọi vợ con đuổi kẻ trộm. Vợ bảo: Nhà có gì để mất đâu mà lo. Lại nằm xuống cái giường ọp ẹp, buồn mà vẫn phải cười vì mình mê ngủ.
Về phường Tích Lương (T.P Thái nguyên), chúng tôi được bà Nguyễn Thị Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường đưa đến thăm gia đình bà Dương Thị Chín, ở tổ 2. Bà Chín khoe, đây là nhà do Chương trình hỗ trợ. Còn nhà cũ, cũng ở chỗ nền này, nhiều lúc không muốn bước vào vì sợ mái xập xuống… Cuộc đời bà Chín mang nhiều éo le, Chồng chết sớm, để lại cho bà 3 người con, thì có 2 con là Phạm Văn Hiếu (sinh năm 1994), Phạm Văn Hiệu (sinh năm 1998) bị câm, điếc bẩm sinh. Bản thân bà bị bệnh parkinson (bà Chín có 10 anh chị em, thì 7 người bị bệnh parkinson), tay lúc nào cũng run lẩy bẩy, rất khó khăn trong việc cầm nắm.
Bà Chín kể: Ngôi nhà rộng 70m2, mái tôn, trần thạch cao, nền lát gạch hoa mẹ con tôi đang ở được xây dựng hết 150 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng là tiền hỗ trợ từ Chương trình, 100 triệu đồng còn lại là do MTTQ phường đứng ra vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và anh em, họ mạc giúp đỡ.
Nhìn cảnh bà Chín run lẩy bẩy vì căn bệnh parkinson, nhưng tôi biết Chương trình đã thắp sáng lên trong bà, và bao người một ước mơ bình dị về mái ấm. Và dù chủ nhân trong ngôi nhà ấy còn đang có một cuộc sống thiếu thốn về vật chất, nhưng đã ấm áp tình người bởi điều ước đã trở thành hiện thực với những “Lọ lem” của đời thường.