Thời gian qua đã có không ít trường hợp, nhất là giới trẻ bị xử phạt chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ đã bấm like (thích) hoặc share (chia sẻ) những hình ảnh, bài viết có những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội (MXH) làm ảnh hưởng đến danh dự tập thể, cá nhân hay vi phạm an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc… Cho nên, các bạn trẻ phải thật sự cảnh giác và luôn là người thông thái khi tham gia MXH.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ sự việc xảy ra cách đây mấy năm, để câu like, một nam thanh niên 26 tuổi ở huyện Phú Lương đã dùng tài khoản Facebook của mình tung tin thất thiệt vỡ đập chính hồ Núi Cốc lên nhóm “Chợ sinh viên sư phạm Thái Nguyên”. Trong đó, thanh niên này dùng hình ảnh mập mờ đã qua chỉnh sửa theo ý đồ và cho rằng chia sẻ chỉ là để giúp mọi người cảnh giác mà thôi. Thông tin thất thiệt này ngay sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và khiến dư luận thực sự hoang mang, lo lắng. Rất may, lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên đã kịp thời vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ đối tượng cùng hành vi tung tin thất thiệt. Đối tượng này đã bị xử phạt hành chính số tiền 12,5 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, xã hội đã và đang hình thành một bộ phận cư dân mạng được gắn mác “anh hùng bàn phím”, cứ lên mạng là bình luận vô tội vạ không cần biết sự việc, vấn đề đó đúng hay sai. Ngoài ra, một số đối tượng thấy MXH có nhiều người theo dõi nên đã lợi dụng tung tin kích động, nói xấu chế độ nhằm lôi kéo mọi người tham gia gây rối trật tự.
Thực tế cho thấy, nhiều người trở thành nạn nhân của MXH chỉ vì một số hình ảnh cá nhân bị chia sẻ (có thể là cố ý hay vô ý) trên mạng mà mất đi hạnh phúc, sự bình yên trong cuộc sống, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, công việc. Cùng với đó là những cuộc tấn công tài khoản MXH nhằm mục đích lừa đảo, vụ lợi. Rất nhiều chiêu trò của tội phạm mạng gây ra khiến xã hội bức xúc, nhiều tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Luật An ninh mạng đã ra đời và có hiệu lực đang góp phần đẩy lùi những tiêu cực nói trên đồng thời cũng là hành lang pháp lý chính thống để kiểm soát thông tin chia sẻ trên mạng và định hướng người dân ứng xử với MXH một cách văn hóa, đúng pháp luật. Do người sử dụng MXH chủ yếu là thanh niên, nên các chuyên gia khuyến cáo: Thanh niên phải thật tỉnh táo, dùng cái đầu lạnh và trái tim nóng để phân tích đúng - sai khi xem MXH. Trước khi nhấn “like” hoặc “share” hãy suy nghĩ thật kỹ để tránh mắc phải âm mưu của kẻ xấu để rồi vi phạm pháp luật.
Với tỉnh ta, để làm được điều này, rất cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi, nhất là đối với các tổ chức Đoàn thanh niên. Nên gắn hoạt động Đoàn với công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về an ninh mạng, không gian mạng, lồng ghép với tổ chức các ngày hội, chương trình phổ biến pháp luật… Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh cũng nên khuyến khích đoàn viên, thanh niên chủ động bày tỏ ý kiến đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai lệch, cực đoan trên MXH. Mặt khác, nên có những giải pháp tuyên truyền, cảnh báo, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong việc chắt lọc thông tin trên MXH, để các bạn trẻ chia sẻ các thông tin một cách văn hóa, trách nhiệm. Đặc biệt, rất cần nâng cao trình độ hiểu biết, bản lĩnh chính trị cho lớp trẻ để tự họ có thể tăng sức đề kháng, bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng.