Ngày Quyền của Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam 15-3 được bắt đầu từ năm 1991, khi nước ta gia nhập Tổ chức Quốc tế NTD thế giới. Từ đó đến nay, Ngày Quyền của NTD được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế - xã hội.
Những năm qua, để có hành động thiết thực, ý nghĩa hơn đối với NTD, hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình mang tính tự nguyện, đồng thời cùng hợp tác nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội đối với NTD nói riêng và người dân nói chung. Năm nay, Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn chủ đề “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững” để triển khai thực hiện nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ quyền lợi NTD và cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính. Nhằm đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, các hoạt động sẽ không chỉ tổ chức tập trung vào tháng cao điểm (tháng 3) mà sẽ được kéo dài trong tháng 4, tháng 5 trên phạm vi cả nước với sự tham gia hưởng ứng của nhiều chủ thể, có quy mô rộng, hướng tới cộng đồng, xã hội.
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD luôn được sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương và sự tham gia hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Nhiều hoạt động thiết thực cũng đã được tổ chức như: Tuyên truyền, cổ động, căng treo băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu có nội dung về bảo vệ quyền lợi NTD; tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trên các kênh thông tin; tổ chức tọa đàm, trao đổi với cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD, những người thuộc doanh nghiệp, tổ, ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, NTD trên địa bàn tỉnh… Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông trên địa bàn có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị và NTD về công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Mặc dù nhiều hoạt động bảo vệ NTD đã được triển khai tích cực, song trên thực tế, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn xảy ra và ngày một phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân là do NTD vẫn còn ngại không muốn đứng ra đấu tranh và bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình. Phần lớn NTD có tâm lý ngại va chạm, nên chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cũng có trường hợp NTD đã khiếu nại, song việc giải quyết không thành công bởi thiếu chứng cứ quyền lợi bị xâm hại. Việc xử lý những khiếu nại của người dân liên quan đến mua hàng online hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra, xác minh theo khiếu nại cũng còn gặp nhiều vướng mắc do nhiều shop mua bán trực tuyến không có địa chỉ thực tế.
Khi giải quyết khiếu kiện của NTD, nhiều trường hợp không cung cấp được bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi do hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng bị thất lạc hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vụ việc. Nhận thức của các bên về bảo vệ quyền lợi NTD chưa đầy đủ; nguồn lực để thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, năng lực thực thi pháp luật của cán bộ chuyên môn còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ NTD nâng cao khả năng tự bảo vệ. Vai trò của Hội bảo vệ quyền lợi NTD các cấp còn mờ nhạt, thiếu chủ động.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình tốt hơn, đã đến lúc NTD cần thay đổi nhận thức, phải chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, chủ động liên hệ đến các cơ quan, tổ chức như tổ chức bảo vệ NTD hoặc chống gian lận thương mại để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hội bảo vệ quyền lợi NTD các cấp cần chủ động phối hợp hoạt động với các doanh nghiệp, NTD để giải quyết vụ việc; trở thành cầu nối giữa NTD và doanh nghiệp, giúp họ giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Cùng với đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các ngành chức năng liên quan nên lưu ý, tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ NTD trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD. Chỉ thị nêu rõ: Bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. |