Thời gian qua, tại kênh Tây đoạn chảy qua khu vực các xóm: Hưng Thịnh, Phú Thịnh, Xuân Vinh, Hợp Thịnh của xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) xuất hiện xác lợn chết và rác thải trôi về ùn ứ, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân ở khu vực này về tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân trôi từ trên đầu nguồn về ứ đọng tại đây, trong ngày 12-3, chúng tôi đã đi thực tế dọc kênh Tây từ xóm Hưng Thịnh đến xóm Phú Thịnh.
Tại cả hai xóm chúng tôi đều thấy xác lợn chết lẫn trong đống rác ứ tại các bể rác của kênh, mùi hôi thối phát tán ra khắp nơi. Cùng với đó, rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn trôi về đây và được cán bộ Trạm khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên vớt lên đắp thành đống, chỉ cách nhà dân khoảng 30m. Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, ở xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành bức xúc: Xác con lợn to hàng tạ và nhiều bộ nội tạng lợn trôi về đã 3 ngày khiến mùi, hôi thối bay vào khu dân cư.
Tại khu vực đầu đầm Di (nơi dẫn nước từ kênh Tây về phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 4 xóm quanh đầm là Hưng Thịnh, Phú Thịnh, Xuân Vinh, Hợp Thịnh) có 5-6 xác lợn mới chết và cả những xác chết đã thối rữa, nhiều xác được cho vào bao tải... mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ông Trần Văn Hợp, ở xóm Hưng Thịnh cho biết: Khoảng hơn 1 năm nay, đầm Di trở thành nơi hứng rác thải và xác động vật chết từ khu vực đầu nguồn dồn về. Nhất là vào ngày nắng, xác động vật chết bốc lên phát tán ra cả khu vực này, trong đó, 4 xóm ở quanh đầm bị ảnh hưởng nhiều nhất... Trước đây, người dân dùng nước máy, nhưng do nguồn nước này hay bị đục và có mùi, nên hiện nay 90% người dân ở xóm chúng tôi chuyển sang dùng nước giếng khoan. Nguồn nước đầm Di bị ô nhiễm nên chúng tôi rất lo sợ...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Hiện tại, bà con trong xã chăn nuôi lợn rất ít, xác lợn chết chủ yếu trôi từ đầu nguồn kênh Tây xuống khu vực này và ứ đọng tại đây. Do xã Trung Thành nằm cuối nguồn kênh Tây nên lượng rác thải và xác động vật chết do người dân ở đầu nguồn vứt xuống và trôi về rất nhiều. Năm nào xã cũng phải thu gom xác động vật để đem chôn, ngay như ngày 10-2 vừa qua, xã đã chôn 10 xác động vật chủ yếu là lợn chết... Còn đối với vấn đề rác thải sinh hoạt từ kênh Tây trôi về, chính quyền địa phương đã kiến nghị với Trạm Khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên thu gom tại bể rác ở xóm Hưng Thịnh sau đó vận chuyển đi xử lý tại bãi rác Minh Đức.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trạm phó Trạm khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên cho biết: Trạm đã hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ môi trường Phổ Yên để vận chuyển rác, nhưng do rác có nhiều nước nên phải gom lại hàng tuần ở bể mới vận chuyển đi nên người dân trong vùng bị ảnh hưởng về mùi hôi thối của rác. Thêm vào đó, cứ vớt rác vài ngày chúng tôi lại thấy có xác lợn trôi về, đơn vị phải phối hợp với chính quyền và người dân sở tại đem đi chôn lấp... Để xử lý tình trạng này, trong năm 2019, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 2 bể gom rác tại xã Đắc Sơn và xóm Cầu Sơn, xã Trung Thành (đều ở xa khu dân cư) để hạn chế rác và xác động vật chết trôi về xã Trung Thành...
Trong khi các cấp, ngành của của tỉnh đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, nhất là dịch tả lợn châu Phi thì người dân vẫn còn thiếu ý thức khi thấy lợn chết không báo chính quyền địa phương để thực hiện chôn lấp theo quy định mà vứt ra kênh, sông, suối. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại cũng chưa kiểm tra xử lý kịp thời khi xuất hiện xác lợn chết, điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và khó kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc. Thiết nghĩ trước thực tế này, ngoài việc thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý xác động vật trôi từ đầu nguồn về, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc phòng,chống dịch bệnh.