Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, huyện Đại Từ đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chuyên môn, địa phương và hộ chăn nuôi thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.
Với phương châm phòng bệnh là số 1, ngay từ khi tỉnh ta chưa phát hiện ổ dịch nào, huyện Đại Từ đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch thông qua việc ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, huyện kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ huyện đến cơ sở, giao việc cụ thể cho từng thành viên, mỗi thành viên có trách nhiệm theo dõi, báo cáo tình hình đàn vật nuôi, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng tới người dân ở các địa bàn được giao phụ trách.
Đối với công tác phòng dịch, huyện xác định rõ không phải của riêng cấp, ngành nào, mà toàn thể nhân dân phải thực hiện nghiêm túc thì mới có hiệu quả. Chính vì thế, huyện đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, Đại Từ là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm tuyên truyền rộng rãi về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Khi chưa phát hiện ổ bệnh, các xã, thị trấn tập trung vào việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương giáp ranh và những nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn. Bên cạnh đó, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn, triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Anh Lê Văn Tâm, xóm Hòa Bình 2, xã Quân Chu, đang nuôi gần 200 con lợn thịt sắp đến kỳ xuất bán, cho biết: Sau khi nghe tuyên truyền về dịch bệnh, để bảo vệ đàn lợn của gia đình, tôi đã chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo. Tôi đã nhận vôi do Nhà nước cấp để về rắc, nhưng do lượng vôi ít, nên tôi đã bỏ tiền mua thêm vôi để rắc hết đường vào nhà, quanh khu chuồng trại. Bên cạnh đó, tôi còn phun hóa chất khử trùng tiêu độc 3-4 lần/tuần và tiêm vắc xin đầy đủ trên đàn lợn.
Hiện, toàn huyện có 55 trang trại và 430 gia trại, với trên 83.500 con lợn. Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng trên địa bàn vẫn đang được duy trì ổn định. Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tuy trên địa bàn huyện chưa xuất hiện hiện tượng lợn chết có biểu hiện nhiễm bệnh dịch tả châu Phi, nhưng với tinh thần chủ động phòng bệnh, không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện đang tăng cường thêm các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh thú y. Đặc biệt, trước việc tỉnh ta đã phát hiện một số ổ dịch, trong đó có địa bàn T.X Phổ Yên - là địa phương giáp ranh với huyện Đại Từ, thì việc thực hiện biện pháp ngăn chặn một cách hữu hiệu dịch bệnh lây lan vào địa bàn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, trong ngày 13-3, huyện đã thành lập 1 chốt kiểm dịch trên tuyến Tỉnh lộ 261 - địa bàn giáp ranh với T.X Phổ Yên để kiểm soát việc vận chuyển động vật ra, vào địa phương. Đồng thời, huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để kịp thời tổ chức chống dịch có hiệu quả khi phát hiện mầm bệnh. Lực lượng trực chốt luôn túc trực hằng ngày để kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào, ra địa bàn. Đồng thời, phun hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua chốt kiểm dịch.
Cùng với việc lập chốt, huyện đã hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân thì báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Thời điểm này, vật nuôi dễ lây nhiễm các loại dịch bệnh, nên cùng với việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, huyện Đại Từ đang hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường phòng bệnh bằng vắc xin đối với các bệnh do virut như: Dịch tả, tai xanh, long móng lở mồm… Đồng thời, người dân cần nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng, cách ly đàn lợn nuôi với lợn mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập đàn nhằm duy trì ổn định đàn lợn nuôi, tránh các lợi dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.