Đã tròn 40 năm kể từ khi những gia đình người dân tộc Mông đầu tiên di cư từ Cao Bằng đặt chân đến xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) mang theo khát vọng về cuộc sống đủ đầy. Tuy nhiên, đến nay, cái nghèo vẫn đeo đẳng hơn 100 nóc nhà ở bên dòng suối Mèo.
Anh Phùng Văn Lành, Trưởng xóm Khuổi Mèo chia sẻ: Từ khi đến đây sinh sống, người Mông chúng tôi đã được Nhà nước quan tâm rất nhiều. Đặc biệt là từ khi được đầu tư theo Đề án 2037 (Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020”) đời sống bà con đã có nhiều bước tiến. Bây giờ, điện được kéo đến từng hộ, đường mở rộng, bằng phẳng thuận tiện cho giao thông. Người dân thay vì phải đi bộ, leo những con dốc dựng đứng để lên, xuống núi như trước thì đã có thể đi xe máy; ô tô vào được tận xóm. Ở xóm có điểm trường kiên cố cho trẻ con đi học, nhà nào có người bị ốm đều được khám và điều trị kịp thời...
Anh Vương Trọng Thủy, người dân xóm Khuổi Mèo kể: Mỗi vụ nhà mình trồng khoảng 3kg giống ngô, nếu thời tiết tốt thì thu được 30 bao (khoảng 1,5-1,6 tấn ngô - P.V) còn mất mùa thì thu được ít nào hay ít đấy. Vì nhà không chăn nuôi nên số ngô này mình mang đi bán hết, đổi lấy gạo, lấy thịt, khi thì mua thêm cái cuốc, cái đèn, nhưng vẫn không đủ. Mình cũng định xin đi làm thuê nhưng khó quá, vì hai vợ chồng đều ít chữ, không thạo nghề gì nên xin việc ở đâu cũng khó khăn.
Được biết, từ nhiều năm nay, ngô là cây trồng chủ lực của đồng bào người Mông ở Khuổi Mèo. Tuy vậy, dù đã được hỗ trợ các giống ngô lai, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất khoa học nhưng hiệu quả kinh tế loại cây trồng này mang đến không cao. Từ thực tế đó, trong những năm gần đây, chính quyền xã Sảng Mộc đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, một trong những trọng điểm là đưa cây lúa vào sản xuất. Theo Chương trình 135 và Đề án số 2037, người dân ở Khuổi Mèo được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón phục vụ phát triển sản xuất. Tuy vậy, do đất đai ít, thiếu nước sản xuất cộng với thói quen coi ngô là cây trồng chủ lực nên số hộ tham gia trồng lúa không nhiều. Đến nay, mới có khoảng 40 hộ trồng lúa có đủ gạo ăn quanh năm.
Ngoài cây lúa, cây ngô, những năm gần đây, bà con người Mông ở Khuổi Mèo đã chuyển đổi sang một số loại cây khác như: trồng keo, cam sành… Toàn xóm Khuổi Mèo hiện có khoảng hơn 10ha từ 2-4 năm tuổi, gần 1ha cam sành. Anh Vương Văn Tiến chia sẻ: Qua học hỏi và được sự giới thiệu của cán bộ Khuyến nông xã Sảng Mộc, năm 2016, nhà mình đã trồng hơn 50 gốc cam sành. Cuối năm ngoái, vườn cam đã lác đác có quả.
Bên cạnh khó khăn trong phát triển sản xuất, một nguyên nhân nữa khiến cho công tác giảm nghèo ở Khuổi Mèo gặp khó khăn là nhận thức về kế hoạch hóa gia đình còn thấp, dẫn đến nhiều hộ có đông nhân khẩu, kinh tế khó khăn. Thực tế, hiện nay, trung bình mỗi hộ ở Khuổi Mèo có 5-6 nhân khẩu. Trong khi đó, theo tính toán của xã Sảng Mộc, diện tích đất sản xuất ở Khuổi Mèo mới đáp ứng được ½ nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế của các hộ dân. Cũng vì thiếu đất sản xuất nên việc chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng hàng hóa gặp không ít khó khăn, hiệu quả kém do thiếu đất trồng cỏ, bãi chăn thả gia súc… Đến nay, tổng đàn trâu bò trong xóm mới đạt khoảng trên 150 con, trong đó chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Có thể nói, giảm nghèo ở Khuổi Mèo đang là một bài toán khó đối với chính quyền và người dân địa phương.
Ông Nông Văn Nhường, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Căn cứ trên chỉ tiêu được giao và kết quả chấm điểm hộ nghèo hàng năm, mỗi năm chúng tôi đều giao chỉ tiêu cho xóm Khuổi Mèo giảm từ 5-7 hộ nghèo. Tuy vậy, chưa năm nào xóm hoàn thành được. Đến tận năm 2016, xóm mới có 2 hộ đầu tiên thoát nghèo. Năm 2017, không có hộ nào và mới đây, năm 2018 có 3 hộ thoát nghèo. Nhưng năm gần đây, được sự trợ giúp của Đề án 2037 và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác, đời sống của bà con đã từng bước đi lên nhưng để thoát nghèo vẫn là một quãng đường dài. Hiện nay, xã vẫn đang tiếp tục vận động bà con ở Khuổi Mèo tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô phù hợp với đặc điểm địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt các đề án hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất tiêu biểu ở những địa phương khác, tích cực vận động người dân chủ động thay đổi tư duy sản xuất, mở hướng thoát nghèo…