Góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

09:09, 20/03/2019

Tháng 9-2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với UBND xã La Bằng (Đại Từ) thực hiện thí điểm mô hình “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không 3 sạch”. Dù mới triển khai, còn gặp khó khăn song mô hình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống, bước đầu hình thành nếp tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững cho người dân.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã chọn 5 hộ dân tại xóm Đồng Tiến (xóm đang thực hiện xóm nông thôn mới kiểu mẫu) làm mô hình thí điểm “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không 3 sạch”. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 4 triệu đồng; hỗ trợ bản vẽ thiết kế, quy hoạch chỉnh trang vườn hộ. Từ sơ đồ thiết kế, các gia đình chủ động thực hiện chỉnh trang; phân loại rác thải tại gia đình; hướng dẫn áp dụng công nghệ sinh học cho cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Đến nay, 5/5 hộ đã thực hiện cơ bản các nội dung theo thiết kế chỉnh trang vườn hộ; quy hoạch lại khu chăn nuôi, trồng trọt, chè, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, hệ thống cống thoát nước…; sản xuất gần 5 tấn phân vi sinh bón cho cây trồng để cải tạo đất. Mỗi hộ đều có sổ theo dõi “Vườn nông nghiệp an toàn” nhằm đảm bảo cập nhật các thông tin liên quan đến trồng, chăm sóc cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng tránh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Các hộ được cấp thùng đựng rác 3 màu để phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn… Ngoài ra, các đoàn thể của xã cùng vào cuộc, hỗ trợ ngày công lao động để các gia đình sớm hoàn thiện vườn mẫu an toàn.

Bà Lương Thị Châu, chủ hộ thực hiện thí điểm ở xóm Đồng Tiến cho biết: Gia đình tôi có 3.500m2 đất vườn. Trước đây, tôi không quan tâm đến việc chỉnh trang vườn theo quy hoạch, mà nuôi, trồng tự phát, nên nhiều diện tích đất chưa được tận dụng hoặc được sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện chủ chương xây dựng vườn mẫu an toàn, tôi đã mạnh dạn bỏ ra hơn 70 triệu đồng để cải tạo đất, xây đường đi trong vườn, xây lại tường rào, sửa chuồng trại. Tôi chia thành khu chăn nuôi lợn rừng, khu chăn gà, khu trồng rau, khu ủ phân vi sinh và xây dựng bếp đun và lò sao chè cải tiến góp phần bảo vệ môi trường tại gia đình… Bên cạnh đó, tôi được các đơn vị hỗ trợ thùng rác, phân bón lá Nano, hỗ trợ xi măng, ngày công lao động để chỉnh trang vườn hộ. Việc xây dựng vườn mẫu giúp tôi có một khu vườn sạch, đẹp, tận dụng được nhiều diện tích để chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Qua tham quan, chúng tôi thấy các hộ đã hoàn thành khoảng 80% theo sơ đồ thiết kế vườn mẫu an toàn. Cổng dựng thành vòm làm giàn trồng các loại cây leo, trong vườn được chia thành từng khu riêng biệt; những luống rau trồng thành hàng, được bón phân hữu cơ; những giỏ hoa, cây cảnh muôn sắc màu càng khiến cho mỗi ngôi nhà tràn đầy sức sống.

Với mục đích hướng đến sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” với 30 thành viên. Đa số các hộ dân xóm Đồng Tiến đều sống nhờ vào cây chè, do vậy, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Hội Nước sạch và môi trường tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tập huấn hướng dẫn các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè; hỗ trợ phân bón Nano Sông Hồng phun cho 54ha chè; kỹ thuật ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp; cách pha chế, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học từ thảo mộc; kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn… Theo đánh giá, sau khi áp dụng các kỹ thuật trên, cây chè phát triển khỏe hơn, năng suất chè tăng từ 15-20%. Hiện có 100% hội viên phụ nữ xóm Đồng Tiến ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; không sử dụng hóa chất, chất cấm trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhận thấy khu vực xóm Kẹm có nhiều tiềm năng du lịch, đang được nhiều người, nhất là giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm, Hội LHPN tỉnh đã thành lập chuỗi sản xuất, tiêu thụ mầm rau cải, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, 35 gia đình trong xóm được tập huấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, hỗ trợ giống và phân bón trồng rau cải. Hiện có 11 hộ tham gia trồng với diện tích 1ha. Toàn bộ hạt cải sẽ được Hợp tác xã Thái An Gia (Trung tâm Dạy nghề 20/10) thu mua, làm rau mầm cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mô hình mới triển khai chưa đầy 1 năm nhưng bước đầu đạt kết quả và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, mô hình gặp khó khăn như: Đa phần các hộ làm nghề chè nên không có thời gian chỉnh trang lại vườn, thiếu nguồn nhân lực; quá trình thiết kế, xây dựng chỉnh trang lại đòi hỏi có kinh phí nên không phải gia đình nào cũng làm được… Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát các điều kiện phù hợp để các gia đình thuận lợi hơn khi triển khai; phối hợp với địa phương hỗ trợ ngày công lao động; tăng cường tập huấn kiến thức cho cán bộ, người dân về vườn nông nghiệp an toàn. Đồng thời, kêu gọi và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để mô hình hoàn thiện và nhân rộng, qua đó nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.