Cuối năm 2018, qua thẩm định của các cơ quan chức năng, xã Hợp Thành (Phú Lương) đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tăng 12 tiêu chí so với năm 2011. Cơ sở hạ tầng nông thôn của xã từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo hiện nay là 73/769 hộ (chiếm 9,49%). Có được kết quả trên một phần là nhờ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy của người dân; đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm nêu cao tinh thần trách nhiệm, sát sao với công việc.
7 năm mới có dịp quay trở lại xã Hợp Thành, cho xe chạy từ ngoài thị trấn Đu qua các xóm vào trụ sở UBND xã, chúng tôi cảm nhận được nhiều thay đổi ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, từ khu chợ được đầu tư sửa sang, mở rộng, thuận lợi cho giao thương buôn bán, đến thư viện, trường học được xây dựng khang trang. Trên nhiều tuyến đường bê tông uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mướt, các loại hoa rực rỡ khoe sắc. Chúng tôi thấy nhiều khẩu hiệu, băng rôn được treo ngay ngắn: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”; “XDNTM, bắt đầu từ thay đổi tư duy”. Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Phạm Quang Lượng: Hợp Thành thuộc diện khó khăn, trước đây nhận nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước nên không tránh khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ nại của người dân. Bởi vậy, chúng tôi xác định muốn xây dựng thành công NTM, phải tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, người cán bộ phải gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm chứ không nói suông và hô hào khẩu hiệu, XDNTM phải hướng đến sự hài lòng của người dân.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của xã đã thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền với mục tiêu giúp nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, để tự giác và tích cực tham gia. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp giao ban của Đảng ủy, UBND xã với đội ngũ trưởng xóm, bí thư chi bộ và các buổi họp xóm. Đồng thời, xã tổ chức cho các cán bộ xóm đi thực tế tại một số địa phương XDNTM thành công ở trong và ngoài tỉnh. Xã còn xây dựng riêng một bài tuyên truyền về XDNTM phát hàng ngày trên cụm loa phát thanh của xã và các xóm. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã, các chi bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ, chuyên đề đều lồng ghép các nội dung về XDNTM. Các đoàn thể cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên chung tay XDNTM. Trong năm 2018, các xóm đã tổ chức được 250 buổi tuyên truyền với 125.000 lượt người tham dự. Nhận thức chính mình là người được hưởng thụ, nhân dân trong xã đã đồng tình hưởng ứng các phong trào. Khi xã vận động, bà con đã thực hiện theo phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đóng góp xây mới, sửa chữa các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, tham gia phong trào vận động phát triển kinh tế hợp tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng môi trường xanh sạch đẹp. Trong đó, các cán bộ, đảng viên luôn tiên phong để người dân noi theo. Bởi vậy, ngoài hỗ trợ xi măng của cấp trên, người dân các xóm đã tự đóng góp để làm nhiều tuyến đường bê tông. Toàn xã có 378 lượt hộ dân hiến 36.000m2 đất, đóng góp trên 1.000 ngày công để làm các công trình đường giao thông, thủy lợi, xây, sửa nhà văn hóa.
Điển hình trong việc vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công làm đường bê tông là xóm Mãn Quang, Kết Thành, Phú Thành. Năm 2018, nhân dân xóm Mãn Quang đã làm hơn 1,7km đường bê tông. Ông Dương Văn Ru, Bí thư Chi bộ cho biết: Xóm có 103 hộ, gần 380 nhân khẩu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Người dân nhiều năm khổ sở với con đường bé, lầy lội khi trời mưa và bụi bặm khi nắng nên khi Chi bộ triển khai nghị quyết làm đường bê tông và sửa chữa nhà văn hóa ai cũng đồng tình. Tính ra mỗi khẩu đóng góp 1 triệu đồng. Chưa kể, 38 hộ tham gia hiến hơn 4.000m2 đất để xóm làm đường. Có những hộ hiến từ 300-400m2 đất ruộng, đồi, vườn tạp như: Mã Văn Mười, Mã Văn Gia, Phan Thị Nhã. Cũng như Mãn Quang, người dân ở xóm Kết Thành đã đóng 350 nghìn đồng/khẩu để làm 700m đường bê tông, góp 300 nghìn đồng/khẩu để sửa chữa nhà văn hóa. Ngoài khoản tiền và ngày công, một số hộ dân còn hiến gần 1.000m2 đất để mở rộng đường, kênh mương trong đó có ông Ma Tiến Phát, Ma Tiến Độ (mỗi người hiến 200m2).
Không chỉ hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, năm 2018, xã Hợp Thành đã đạt các tiêu chí về thu nhập của người dân, mô hình tổ chức sản xuất và môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều rất đáng biểu dương là xã không nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Theo kết quả khảo sát lấy phiếu của người dân về kết quả XDNTM do Ủy ban MTTQ xã Hợp Thành tổng hợp cuối năm 2018, từng tiêu chí số lượng người dân đánh giá hài lòng đều đạt từ 80%-94,3% và kết quả chung có 95,6% người dân hài lòng về phong trào này. Những tiêu chí nhân dân quan tâm và tỷ lệ hài lòng chưa cao là về việc xử lý về ô nhiễm môi trường, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập.
Ý kiến phản ánh nói trên của người dân cũng là trăn trở của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã Hợp Thành. Để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân về phát triển sản xuất, năm 2018, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Xã đang thực hiện nhiều giải pháp để hình thành và đẩy mạnh vùng trồng cây ăn quả, cải tạo diện tích chè, phát triển hợp tác xã nuôi ong mật, mở rộng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại trên địa bàn. Đặc biệt, quảng bá hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tạo thương hiệu của địa phương như nếp vải, mật ong. Qua đó, phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân của người dân trong xã đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm...