Từng bước cải thiện môi trường các làng nghề

10:14, 14/03/2019

Hiện nay, sự phát triển của các làng nghề đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân. Trước thực tế này, huyện đã đề ra những giải pháp để nâng cao công tác quản lý trong việc bảo vệ môi trường để hướng tới sự phát triển bền vững của các làng nghề.

Trên địa bàn huyện Phú Lương có tổng số 39 làng nghề, trong đó có tới 37 làng nghề chè, còn lại là làng nghề bánh chưng Bờ Đậu và mây tre đan. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chủ yếu xuất phát từ quá trình sử dụng, xử lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các làng nghề sản xuất chè. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, có thời gian cách ly dài (từ 7 đến 15 ngày). Ngoài ra, do nhận thức của nhân dân còn chưa cao nên sau khi sử dụng, bà con thường vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc ra môi trường, đặc biệt là tại các nương chè. Chính vì thế, lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy không khí ngột ngạt vì mùi thuốc BVTV; qua thời gian, lượng thuốc từ những vỏ bao bì ngấm dần xuống đất, nguồn nước gây ảnh hưởng đến chất lượng chè và hệ sinh thái.

Thực trạng trên của Làng nghề chè xóm Gốc Gạo cũng phổ biến tại các làng nghề chè khác trên địa bàn huyện trước năm 2016. Trước tình hình đó, năm 2017, huyện Phú Lương đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án “Xây dựng mô hình quản lý thí điểm chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật tại một số xã chuyên canh chè, lúa và rau trên địa bàn” tại 2 xã Tức Tranh, Vô Tranh, trong giai đoạn 2016-2017. Theo đó, cả 2 xã được hỗ trợ, đầu tư xây dựng, lắp đặt, bổ sung trang thiết bị như: 17 xe thu gom, 24 đồ bảo hộ lao động, 178 bao bì chứa chất thải, 250 bể chứa, 2 nhà lưu chứa; tuyên truyền, tập huấn công tác quản lý, thu gom chất thải bỏ chứa hoá chất BVTV; tổ chức xử lý tiêu huỷ chất thải bỏ chứa hoá chất BVTV…

Bên cạnh đó, năm 2017, huyện cũng chủ động xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Phú Lương, giai đoạn 2017 – 2020”. Thực hiện đề án này, huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: 100% các làng nghề phải ký xác nhận đăng ký Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc phương án bảo vệ môi trường theo quy định; đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về việc thu gom và xử lý vỏ bao bì chứa hoá chất BVTV qua loa truyền thanh hoặc trực tiếp tại các cuộc họp từ cấp huyện tới từng xóm bản; từ năm 2018, tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật của Sở Tài nguyên và Môi trường tại 15 xã, thị trấn, đặc biệt là các vùng chuyên canh chè…

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chè đồng thời cải thiện môi trường làng nghề, những năm gần đây, huyện cũng từng bước đẩy mạnh định hướng cho người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chè theo hướng hữu cơ thông qua các hoạt động như: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; định hướng sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc hoặc sinh học; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận; hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học…

Nhờ công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt của các cấp chính quyền, chất lượng môi trường tại các làng nghề đã có sự thay đổi rõ rệt, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho hay: Tại cấp xã, chúng tôi còn thường xuyên đôn đốc các xóm họp dân để tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý vỏ thuốc BVTV và sản xuất chè sạch; duy trì tốt hoạt động của tổ thu gom vỏ thuốc từ bể chứa sang nhà chứa 2-3 lần/năm. Tính riêng năm 2018, cả xã đã thu được gần 4 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV, phần lớn hộ dân chuyển sang dùng thuốc BVTV làm từ thảo mộc, sinh học… Nhờ đó, đến nay, cảnh quan tại các nương chè, đường làng, ngõ xóm luôn giữ gìn sạch sẽ, không khí trở nên trong lành hơn.

Ông Nịnh Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết thêm: Hiện nay, qua quá trình xây dựng nông thôn mới và được sự hỗ trợ của các cấp hội, đoàn thể, xã đã có hơn 150 bể chứa và phân bổ đều cho 8 làng nghề chè. Nhờ ý thức được tác hại, ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với môi trường sống và chất lượng sản phẩm chè nên phần lớn người dân đã bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định, mặc bảo hộ lao động khi phun thuốc... Vào đợt huyện tổ chức thu gom toàn bộ vỏ bao bì chứa hoá chất BVTV, các hội, đoàn thể đều chủ động kêu gọi người dân tập trung thu gom từ bể chứa ra điểm tập kết.

Tuy nhiên, việc đảm bảo môi trường tại các làng nghề vẫn còn tồn tại một số khó khăn, đặc biệt là còn 1 bộ phận người dân ý thức chưa cao nên vẫn có hiện tượng vứt chung rác thải sinh hoạt với thuốc BVTV. Ông Hà Phi Long, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho hay: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để việc bảo vệ môi trường ngày càng đi sâu vào ý thức của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho cấp trên để tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.