Thời gian qua, vi phạm pháp luật liên quan đến đòi nợ thuê, siết nợ, cho vay nặng lãi (tín dụng đen) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tại huyện Phú Lương, trong năm 2018 đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến đòi nợ, siết nợ để lại hệ lụy không nhỏ cho cả người vay và nhóm đối tượng đòi nợ …
Trong năm 2018, Công an huyện Phú Lương nhận được 6 tin báo liên quan đến hoạt động đòi nợ, siết nợ. Hầu hết các nạn nhân của vụ việc đều lâm vào tình cảnh khốn đốn mới thông tin đến cơ quan chức năng. Điển hình như vụ chị H.T.T (sinh năm 1976), ở xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng vay của một số đối tượng với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Sau đó chị vỡ nợ mất khả năng chi trả nên đã bị nhóm đối tượng đến nhà đập phá két sắt, lấy tài sản. Quá lo lắng, chị H.T.T. đã bỏ trốn khỏi địa phương. Hay trường hợp của anh H.M.H (sinh năm 1982), ở xóm Giá 1, xã Phấn Mễ bị 5 đối tượng cùng trú tại thị trấn Giang Tiên đến nhà đòi 50 triệu đồng anh H. vay của Đ.Q.L. (sinh năm 1989) trú tại tiểu khu Giang Long, thị trấn Giang Tiên. Hai bên đã xảy ra xô xát khiến anh H. bị thương tích 3% và một số tài sản của anh bị hư hại nhẹ. Công an huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 đối tượng trên với tổng số tiền phạt hơn 8,3 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, không chỉ người vay nợ bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản khi đối mặt với nhóm đòi nợ, siết nợ mà người thân của họ cũng bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Như trường hợp anh T.V.D. xóm Liên Hồng 3, xã Vô Tranh vay 5 triệu đồng. Đến hạn chưa trả, nhóm đòi nợ đến nhà, một đối tượng đã dùng dao chém bố của T.V.D. gây thương tích cho ông 63% và bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện, cơ quan Công an đã khởi tố đối tượng này về tội cố ý gây thương tích. Bà N.T.C., ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ cũng bị đối tượng đến nhà đòi nợ con gái mình nhưng chúng không đánh đập mà chỉ chửi bới và đập phá tài sản của gia đình bà.
Tín dụng đen là hình thức cho vay nặng lãi (thủ tục nhanh gọn và đơn giản) được thực hiện bởi một cá nhân, nhóm cá nhân hoặc có thể là tổ chức ngoài vòng kiểm soát của pháp luật với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật Việt Nam quy định (mức lãi suất cho vay Nhà nước quy định là không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước). Các quảng cáo cho vay tại hiệu cầm đồ, dán tờ rơi tại các cột điện... hầu hết đều là cho vay tín dụng đen. |
Nói về nguyên nhân của thực trạng cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen như trên, Thiếu tá Phạm Đăng Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Phú Lương cho rằng: Việc cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật, điều này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có cầu thì ắt có cung, thời gian gần đây tín dụng đen phát triển nhanh bởi nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về kinh tế đã chấp nhận đi vay lãi suất cao do hình thức, thủ tục vay, thế chấp đơn giản.
Cùng với đó, có một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham cá độ, cờ bạc cũng vay mượn, sử dụng tín dụng đen. Khó khăn đối với lực lượng công an khi giải quyết các vụ việc này ở chỗ vay nợ do hai bên tự nguyện thực hiện, không muốn người khác biết nên chỉ đến khi bên vay không có khả năng trả nợ dẫn đến việc siết nợ, bắt nợ vi phạm pháp luật thì mới phát hiện được hành vi vi phạm. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra cũng khó phát hiện và chứng minh được hành vi cho vay nặng lãi của các đối tượng vì trong giấy tờ giao dịch không thể hiện lãi suất vay. Hơn nữa, đa số người bị hại trong các vụ việc không trình báo công an do che giấu động cơ vay nặng lãi, hoặc bị đe dọa, khống chế, sợ trả thù. 6 tin trình báo tới cơ quan công an của người bị hại trong năm 2018 chỉ là phần nhỏ trong số trường hợp các nạn nhân trên địa bàn huyện Phú Lương dám lên tiếng khi bị đe dọa, uy hiếp bởi không trả được nợ.
Mặc dù chưa hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, nhưng nhiều vụ cho vay nặng lãi xảy ra thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Lương đã gây mất an ninh trật tự và khiến dư luận bức xúc. Trước thực trạng trên, Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường công tác kiểm soát định kỳ, đột xuất các cơ sở cho vay, cầm đồ về thủ tục giấy tờ, sổ sách nhằm phát hiện cho vay nặng lãi, thế chấp, cầm cố tài sản bất hợp pháp, tàng trữ vũ khí trái phép sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Công an huyện đang xây dựng kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra công tác này tại các xã, thị trấn. Qua đó, siết chặt hơn hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với cơ sở cho vay, cầm đồ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành đoàn thể tuyên truyền tới nhân dân về thủ đoạn và hậu quả của việc sử dụng tín dụng đen để người dân nâng cao cảnh giác.
Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, mỗi người nên nắm bắt đầy đủ thông tin chính sách tín dụng ngân hàng và các sản phẩm dịch vụ để nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, không vay nặng lãi của các tổ chức, cơ sở, cá nhân dưới mọi hình thức.