Gia đình là tổ ấm, chốn đi về an toàn cho mỗi người. Nhưng với không ít người, bình yên trong ngôi nhà mình ở chỉ là những mỹ từ, khó gìn giữ. Bởi các thành viên trong nhà thiếu sự cảm thông, ích kỷ, thường trì triết, lăng mạ và thậm chí nói chuyện với nhau bằng… nắm đấm.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo công tác gia đình T.P Thái Nguyên: Trong thời gian 10 năm qua (2008-2018), trên địa bàn xảy ra 54 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), trong đó khởi tố điều tra 17 vụ, với 17 bị can; xử phạt hành chính 35 vụ, việc BLGĐ, với 35 đối tượng liên quan, cơ quan chức năng Nhà nước đã lập biên bản xử phạt gần 30 triệu đồng. Các vụ BLGĐ chủ yếu do cố ý gây thương tích; làm nhục người khác; hành hạ vợ hoặc chồng... Bà Nguyễn Phương Huyền, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin T.P Thái Nguyên cho biết: Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, vì những người liên quan đến BLGĐ đều là thành viên trong một nhà, nên thường chịu đựng, vì “xấu chàng hổ ai”. Hơn thế, trong trường hợp báo cáo chính quyền, thì người bị bạo lực (vợ, con) lại là người… mang tiền đi nộp phạt.
Theo ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình Thành phố: Giải pháp hạn chế BLGĐ hiệu quả nhất là ngay từ cơ sở cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống BLGĐ... nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt tại từng cơ sở xóm, phố cần phát huy được vai trò của Ban Công tác mặt trận và tổ hòa giải. Các ông, bà trong tổ hòa giải là người gần dân, hiểu dân nên nắm bắt được thông tin nhanh nhất, hiểu sự việc nhất, do đó dễ tìm ra được giải pháp “hạ hỏa” hiệu quả nhất. Minh chứng là hàng trăm vụ việc vợ chồng lục đục, đâm đơn ra tòa, sau hòa giải đã trở về chung sống hòa thuận.
Không ít cặp vợ chồng sau khi được hòa giải, trở về ở với nhau đã tìm lại được hạnh phúc. Vì tận khi đó giữa họ mới nhận thức ra được giá trị về “phần nửa kia” của cuộc đời mình. Họ biết sống cảm thông, biết sẻ chia và biết suy nghĩ trước lời nói của mình với chồng, vợ. Những ngày này mọi người đang bàn về hạnh phúc gia đình nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), để tự thấy thấm thía hơn về giá trị gia đình. Và cả xã hội cùng vào cuộc, cùng tạo dựng tổ ấm gia đình, bởi một lẽ giản đơn “Gia đình là tế bào của xã hội”.
Từ quan điểm “Gia đình bình yên, xã hội ổn định”, Thành phố đã luôn chủ động, quan tâm tới đời sống kinh tế, tinh thần ở mỗi gia đình. Như việc các cấp, ngành chung tay chia sẻ làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ người nghèo lúc khó khăn, hoạn nạn; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Năm 2018 vừa qua, Thành phố có hơn 75.800 hộ đạt gia đình văn hoá (96,16%); 607 xóm, phố đạt khu dân cư văn hoá (88,36%). Về hoạt động hòa giải: Hiện 32 xã, phường trực thuộc Thành phố có 625 tổ hòa giải với 3.724 hòa giải viên. Trong năm có 177 vụ việc được hòa giải, trong đó 143 vụ việc được hòa giải thành công. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giảm bớt khiếu kiện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Ngoài các mô hình trên, hiện Thành phố còn có 37 mô hình điểm ở khu dân cư gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là 200 mô hình câu lạc bộ, với hơn 30.000 thành viên (có người là thành viên của nhiều câu lạc bộ). Các câu lạc bộ thu hút được nhiều thành viên tham gia như: Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; Câu lạc bộ “Phòng chống BLGĐ”... Cùng với đó, các cơ sở cũng đã xây dựng được 759 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 59 nhóm phòng, chống BLGĐ gồm những người có kiến thức, kỹ năng và năng lực để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Từ năm 2008 đến hết năm 2018, Ban Chỉ đạo công tác Gia đình các cấp của Thành phố đã tổ chức hơn 1.600 hội nghị, hơn 500 hội thi, hơn 200 buổi tuyên truyền về công tác gia đình; phòng, chống BLGĐ; tổ chức hơn 50 lượt tuyên truyền lưu động về phòng, chống BLGĐ…
Sự vào cuộc của các cấp, ngành; hoạt động của các câu lạc bộ đã từng bước nâng cao được nhận thức của mọi người dân trong công tác phòng, chống BLGĐ. Qua đó giúp mỗi người ý thức xây dựng gia đình có nếp sống lành mạnh, tiến bộ, hòa thuận, chung thủy, hạnh phúc.