“Bay là thích ngay” là khẩu hiệu mà hãng hàng không Vietjet nêu ra với công chúng, nhưng không hiểu những người nêu ra khẩu hiệu này có biết tâm trạng của hành khách khi bị nhỡ chuyến bay sẽ thế nào.
Theo lịch trình, chuyến bay của Vietjet từ Nội Bài vào Buôn Ma Thuột ngày 21/3/2019 trong đó có tôi là hành khách sẽ được thực hiện vào lúc 7 giờ, thế nhưng chưa đến 7 giờ thì đại diện hãng hàng không Vietjet lên loa xin lỗi hành khách vì bay trễ giờ và nói mọi chi tiết về chuyến bay sẽ thông báo vào lúc 8 giờ. Đang từ trạng thái vui mừng vì sắp đến giờ bay, hàng trăm hành khách chuyển sang trạng thái buồn bực vì phải chịu cảnh ăn chực ngồi chờ, đến 8 giờ tưởng sẽ có máy bay thì đại diện hãng hàng không lại tiếp tục xin lỗi hành khách và thông báo 9 giờ sẽ có thông báo tiếp về chuyến bay, lúc này một số hành khách cảm thấy rất khó chịu.
Để trấn an hành khách của chuyến bay, một nữ nhân viên của Vietjet đến thông báo là 9 giờ 20 phút sẽ có máy bay. Trước câu hỏi của hành khách vì sao đúng 9 giờ 20 phút mới có máy bay thì nhân viên này trả lời, hiện nay máy bay có rồi nhưng chưa có phi công, nói rồi cô nhân viên này “lặn” mất luôn. Đến 9 giờ 20 phút việc xin lỗi lại được lặp lại, theo đó là thông báo sẽ tiếp tục hoãn chuyến bay đến 10 giờ, rồi sau đó là thông báo tiếp đến 10 giờ 30 phút. Lúc này thì rất đông hành khách đã không chịu nổi vì thời gian bay từ Nội Bài vào Buôn Ma Thuột chỉ hết 1 giờ 30 phút, mà thời gian chờ đợi do nhỡ máy bay lên tới 3 giờ 30 phút. Nhiều người vì nhỡ việc nên yêu cầu trả lại vé, không thực hiện chuyến bay nữa, nhưng việc trả lại vé cũng không hề đơn giản, đại diện hãng thông báo là mua vé ở đâu thì trả vé tại đấy và việc trả vé là trả chứ không có bồi thường. Bị coi thường nhưng hành khách cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Cuối cùng thì việc chờ đợi cũng cán đích, 10 giờ 30 phút, những hành khách không bỏ về đã được xếp hàng lên máy bay, đến 10 giờ 50 phút máy bay bắt đầu rời sân bay Nội Bài đi Buôn Ma Thuột. Trên máy bay, người ta nói nhiều về văn hóa ứng xử của hãng hàng không Vietjet. Có người bảo, nếu tổ chức cuộc thi ứng xử với hành khách của các hãng hàng không trên thế giới, thì có lẽ sẽ không có hãng nào vượt qua nổi Vietjet của Việt Nam. Vị sư cô ngồi cạnh tôi loay hoay tìm hòm thư điện tử, xin số điện thoại để điện hoặc viết thư góp ý. Riêng với những người đã tiếp xúc nhiều với hãng hàng không Vietjet thì nói luôn, đây là chuyện “thường ngày ở huyện”, họ đưa ra hàng loạt nguyên nhân của chuyện chậm bay, nguyên nhân nào nghe cũng có lý. Ví như có người bảo do tiền lương của phi công người Việt Nam và phi công thuê của nước ngoài chênh lệch nhau quá nhiều, nên anh em phi công đình công; lại có người đưa ra nguyên nhân do thiếu khách nên chủ hãng phải tính đến chuyện dồn khách từ nhiều chuyến lại; riêng nguyên nhân mà ai đó bảo là phi công ốm nên phải tìm người khác thay thế thì bị loại đầu tiên.
Về chủ đề có nên chung thủy với Vietjet nữa hay không thì có nhiều ý kiến khác nhau, có người bảo việc chậm giờ bay của hãng hàng không này là bình thường, tiền ít thì đành phải chịu thôi chứ biết làm sao được. Có người thì khẳng định luôn rằng sẽ không bao giờ quay lại với hãng hàng không vietjet nữa, còn tôi - một nông dân lần đầu được lên máy bay đi vào Tây Nguyên thăm người thân thì bay được không phải quay lại quê là tốt lắm rồi, xong tôi vẫn nghĩ lời bu tôi dặn chị em tôi từ hồi bé là, mỗi khi mắc khuyết điểm thì phải biết xin lỗi và nói rõ nguyên nhân tại sao lại mắc khuyết điểm, như vậy thì lần sau mới tránh được cái sai lặp lại. Giá mà chủ hãng hàng không Vietjet cũng nghe được những lời dạy bảo như của bu tôi với chúng tôi thì chắc hôm nay trên máy bay sẽ không có những chuyện bàn tán ầm ỹ, vì nói gì thì nói, những chuyện như thế này sẽ làm cho uy tín của hãng không thể giữ được, chứ nói gì đến uy tín tăng lên, thế mới biết, nói cụm từ văn hóa ứng xử thì dễ, nhưng khi nhìn vào hành động ứng xử với nhau thì khó thật.
Xin nói thêm là cũng trong buổi sáng ngày 21/3/2019, Vietjet có tới hai chuyến bay bị chậm giờ.