Cuối tuần được nghỉ làm, tôi đến chơi nhà một người bạn ở tổ 22, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyện). Hôm đó, là ngày mùng 9 tháng 3 - ngày phát lương cho những người nghỉ hưu có hộ khẩu thường trú ở phường. Nhà neo người, bạn lại bận việc nên nhờ tôi chở giúp mẹ bạn ra trụ sở Đảng ủy- HĐND- UBND phường Thịnh Đán để lấy lương hưu.
Mẹ bạn năm nay đã gần 80 tuổi, lại bị bệnh Par - kin - sơn, chân tay run rẩy, đi không vững, tôi ái ngại thắc mắc: Mẹ già yếu thế, sao bạn không đi lấy lương hưu hộ mẹ?
Bạn cho biết, việc lấy hộ phải có giấy ủy quyền, xác nhận của chính quyền địa phương…
Tôi đưa mẹ bạn đến UBND phường Thịnh Đán, thấy có khá đông các ông, các bà cũng đến lấy lương hưu. Người phải chống gậy, người có con dìu nách, người ngồi thở hổn hển để lấy lại sức… Phần lớn các cụ đều già yếu, bệnh tật, chân tay run rẩy, đi lại khó khăn.
Nhưng điều đáng nói ở đây là nơi phát lương cho các cụ lại ở tận trên tầng 3 của trụ sở phường. Trong khi đó, phường Thịnh Đán có sảnh ở tầng 1 và khoảng sân rất rộng rãi, thoáng mát… Người trẻ khỏe như tôi leo lên đến tầng 3 cũng thấy mệt toát mồ hôi, huống hồ các cụ ngoài 80 - 90 tuổi.
Trước sự việc đó, tôi chủ động gặp một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phường Thịnh Đán để đóng góp ý kiến. Đồng chí hứa sẽ bàn bạc với cơ quan Bảo hiểm Xã hội để thay đổi địa điểm phát lương hưu xuống tầng 1. Nhưng một tháng trôi qua, việc đâu vẫn đóng đấy. Các cụ già ốm yếu, run rẩy vẫn phải dò dẫm từng bậc cầu thang leo lên tận tầng 3 để lấy mấy triệu đồng tiền lương.
Có lẽ nào hình ảnh đó không làm lay động trái tim những người có chức trách ở địa phương cũng như những cán bộ chuyên môn của ngành Bảo hiển Xã hội tỉnh?