Diện mạo mới của Hóa Trung

14:55, 02/04/2019

Xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm 2011. Diện mạo nông thôn của xã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Đến xã Hóa Trung những ngày này, có thể thấy rõ sự đổi thay của vùng đất này so với 7 năm trước. Những trục đường đầy ổ voi, ổ gà lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa trước đây đã được đổ bê tông phẳng lì, rộng rãi. Nhiều ngôi nhà mái bằng, cao tầng được xây dựng mới với tiện nghi sinh hoạt hiện đại để phục vụ cuộc sống… Ông Phạm Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Hóa Trung cho biết: Để xã có được diện mạo mới như ngày hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, có thể nói cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực hết mình. Bởi lẽ, bước vào XDNTM, xã có xuất phát điểm thấp, lại không thuộc diện ưu tiên nên các chương trình hỗ trợ và nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xã đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.

Trong những năm qua, xã Hóa Trung đã huy động được 61 tỷ đồng thực hiện Chương trình XDNTM, trong đó 1/3 nguồn kinh phí này là do nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, người dân còn hiến 30.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động. Từ các nguồn vốn, cùng sự chung tay, góp sức của nhân dân, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã đã được xây mới, sửa chữa. Cụ thể, trong 7 năm qua, trên địa bàn xã có 21km đường bê tông được xây dựng, 5 nhà văn hóa xóm được xây mới, 2 nhà văn hóa xóm được cải tạo, sửa chữa...

Bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như: Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật… Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nhãn ghép tại xóm Na Long, Phúc Thành; trồng và chế biến chè tại các xóm La Vương, Đồng Tẻ, Mới; trồng lan rừng ở Trung Thần; các mô hình chăn nuôi lợn thịt, gà; nuôi ong lấy mật... Một phần từ sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, người dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, từ đó nâng cao đời sống, thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/người/năm (tăng 22 triệu đồng/người/năm) so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm từ 5,6% (năm 2011) xuống còn 2,1% (năm 2018). Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với phát triển kinh tế, người dân trong xã đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện nay, 100% số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trên 70% số xóm đạt danh hiệu làng văn hóa, nhiều gia đình trở thành hình mẫu “5 không, 3 sạch”: Không đói nghèo, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba, không có trẻ suy sinh dưỡng, bỏ học và sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định...

Nói về phương hướng trong thời gian tới, ông Phạm Văn Bảy cho biết thêm: Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nâng cao các tiêu chí NTM, phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, chú trọng sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Xã sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp để phấn đấu xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.